Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Biệt thự không phép trên đất nông nghiệp

TDVN 11:22 28/12/2021

Căn biệt thự hoành tráng với nhà ở, sân, vườn, tường bao được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Tân Quang, huyện Ninh Giang (Hải Dương) chưa được xử lý triệt để khiến dư luận bức xúc.

Nhiều vi phạm?

Khu nhà rộng hơn 150 m2 của gia đình ông Định ở xã Tân Quang vẫn được hoàn thiện sau khi bị chính quyền ra quyết định xử phạt.

Thời gian qua, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết nhận được phản ánh của người dân ở xã Tân Quang, huyện Ninh Giang (Hải Dương) về việc xây dựng các biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp tại khu vực chuyển đổi Đồng Linh.

Khu chuyển đổi này có vị trí khá thuận lợi, một bên nằm cạnh sông Cửu An, một bên áp sát tuyến đường tỉnh 392B từ xã An Đức qua cầu Di Linh đến trung tâm xã Tân Quang (đều của huyện Ninh Giang).

Theo tìm hiểu được biết, trước đây khu vực này là đất ruộng trồng lúa với 1 vụ/năm. Giai đoạn năm 2003-2004, được chuyển đổi thành đất nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích khoảng 19 ha. Sau đó, gần 20 hộ dân của địa phương được phép đấu thầu để sản xuất, chăn nuôi thủy sản. Theo quy định, các hộ dân ở đây không được xây dựng công trình kiên cố, nhà ở với diện tích trên 20 m2. Tuy nhiên, thực tế có nhiều hộ dân đã xây dựng công trình nhà ở, nhà kho quá diện tích quy định. Thậm chí, có trường hợp còn xây dựng biệt thự “hoành tráng” với diện tích hơn 100 m2.

Điển hình là trường hợp vi phạm của gia đình ông Lê Văn Hạnh (52 tuổi) ở thôn Xuân Trì, xã Tân Quang với tổng diện tích là 177,35 m2.

Theo biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai ngày 10/7/2020 do UBND xã Tân Quang cung cấp, tại thời điểm trên, ông Lê Văn Hạnh đã có hành vi tự ý xây dựng móng nhà trên đất chuyển đổi ở khu vực Đồng Linh. Đồng thời, UBND xã Tân Quang cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hạnh với tổng số tiền là 4 triệu đồng, buộc khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm (thời hạn khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ khi ra quyết định xử phạt).

Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, công trình vi phạm của ông Hạnh không những không được xử lý dứt điểm mà còn trở thành một biệt thự nhà vườn đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng với diện tích hàng nghìn mét vuông gồm công trình nhà ở kiên cố, sân vườn, tường bao, nhà chòi... Thậm chí, ông Hạnh còn xây hẳn một cây cầu bê tông bắc qua tuyến kênh của sông Cửu An.

Nằm sát cạnh khu biệt thự nhà vườn của ông Hạnh là khu nhà mái Thái rộng hơn 150 m2 đã hoàn thiện của gia đình ông Lê Đình Định (50 tuổi) cũng được xây dựng trái phép trên đất chuyển đổi Đồng Linh.

Điều đặc biệt là khu nhà của ông Định cũng bị UBND xã Tân Quang lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, ra quyết định xử phạt số tiền 1,5 triệu đồng và yêu cầu buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm nhưng đến nay, công trình này đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Xã báo cáo huyện, huyện chờ tỉnh

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong thừa nhận có tình trạng người dân tự ý xây dựng công trình vượt quá diện tích theo quy định. Các trường hợp này đều được chính quyền địa phương nhắc nhở, tuy nhiên do nhu cầu sử dụng thực tế nên người dân vẫn tự ý triển khai.

Riêng đối với 2 công trình biệt thự của ông Hạnh và ông Định như nêu trên, UBND xã Tân Quang đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt, yêu cầu khôi phục hiện trạng đất như ban đầu nhưng các gia đình này vẫn cố tình xây dựng công trình trái phép trên đất chuyển đổi ở khu vực Đồng Linh.

Do tính chất vụ việc, UBND xã Tân Quang cũng đã có văn bản báo cáo lên UBND huyện Ninh Giang về 2 trường hợp vi phạm trên để xin ý kiến chỉ đạo, phối hợp, giải quyết theo đúng quy trình và thẩm quyền. Tuy nhiên, các công trình vi phạm trên vẫn mặc nhiên tồn tại mà chưa được xử lý dứt điểm.

Có thể thấy, thời gian qua, tình trạng người dân tự ý thay đổi mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp không chỉ diễn ra ở huyện Ninh Giang mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Hải Dương.

Dư luận rất bức xúc khi các vi phạm này không khó để phát hiện, nhưng việc ngăn chặn, xử lý vi phạm lại rất chậm, thiếu sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của chính quyền địa phương. Thậm chí có trường hợp bị chính quyền địa phương lập biên bản, ra quyết định xử phạt nhưng người dân không trả lại hiện trạng đất như ban đầu, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công trình trái phép để sử dụng.

Trước đó, khi trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về các vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp ở địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã khẳng định: “Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hải Dương là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nếu phát hiện ra các sai phạm liên quan đến đất nông nghiệp. UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương làm rõ các vụ việc sai phạm liên quan đến đất nông nghiệp được người dân phản ánh và báo chí thông tin”.

Có thể thấy, việc kiểm tra xác minh, làm rõ vi phạm và xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, vi phạm về trật tự xây dựng là cần thiết để lập lại trật tự và sử dụng đạt hiệu quả. Trong đó, lãnh đạo UBND cấp xã, phường và cán bộ địa chính cần nêu cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý và báo cáo lãnh đạo cấp trên để phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Tránh trường hợp xử phạt nhưng vẫn để sai phạm tồn tại gây bức xúc trong nhân dân như 2 trường hợp tại xã Tân Quang huyện Ninh Giang.

Theo Đại đoàn kết

Link gốc : http://daidoanket.vn/biet-thu-khong-phep-tren-dat-nong-nghiep-5676493.html

Bạn đang đọc bài viết Biệt thự không phép trên đất nông nghiệp tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương
Năm 2013, dự án “Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao” đóng tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An) được tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư.