Từ năm 2019, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Mai Châu đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chuyên trách và xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng đảm bảo các tiêu chí như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và sản phẩm phải có tính bền vững.
Sản phẩm dệt thổ cẩm của hợp tác xã Chiềng Châu (Mai Châu) được du khách trong và ngoài nước yêu thích lựa chọn làm quà tặng. |
Theo đó, HTX dệt thổ cẩm truyền thống xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu; HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác, xã Chiềng Châu đã được đưa vào đánh giá, thẩm định phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.
Giai đoạn 2019-2020, huyện đăng ký 7 sản phẩm thuộc 3 nhóm sản phẩm, gồm: nhóm thực phẩm có 5 sản phẩm: rau củ quả của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Tam Hòa, xóm Tam Hòa, xã Tân Sơn, thị trường tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội;
Sản phẩm rượu Mai Hạ với thị trường tiêu thụ tại địa bàn huyện, trong và ngoài tỉnh; khoai sọ Phúc Sạn của nhóm sở thích tại địa bàn xã cùng trồng, tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài huyện; tỏi tía thuộc địa bàn xã Pù Bin và Noong Luông do các hộ cùng trồng, địa bàn tiêu thụ trong và ngoài huyện; cá sông Đà của nhóm sở thích trên địa bàn xã Phúc Sạn, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Nhóm đồ lưu niệm có sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có sản phẩm du lịch homestay bản Lác của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp và du lịch bản Lác, chuyên phục vụ du khách du lịch trong và ngoài nước.
Sản phẩm du lịch homestay bản Lác của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp và du lịch bản Lác được nhiều du khách đến trải nghiệm, tham quan đặc biệt là giới trẻ. |
Thời gian qua, huyện Mai Châu tuyên truyền các chính sách của Trung ương địa phương về Chương trình OCOP cho mọi người dân thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội và giá trị nhân văn khi thực hiện. Lồng ghép với các tổ chức chính trị xã hội, đưa các sản phẩm tham gia các hội chợ để giới thiệu và bán sản phẩm.
Đồng thời, phối hợp cùng các đối tác tổ chức các khóa đào tạo về nghiệp vụ xúc tiến thương mại cho học viên tại các xã, thị trấn. Từng bước mở rộng quy mô sản xuất, thu hút các xã viên, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Phát triển, nâng cấp các sản phẩm hiện có, thường xuyên tập huấn cho xã viên để từng bước nâng cao tay nghề, mang lại thu nhập cho xã viên.
Trên cơ sở các sản phẩm đăng ký, huyện Mai Châu có 4 sản phẩm trong danh mục các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2019 của tỉnh, gồm: sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX Chiềng Châu; sản phẩm rượu Mai Hạ của hộ bà Hà Thị Tôn, xóm Chiềng Hạ, xã Mai Hạ; sản phẩm rau hữu cơ của HTX dịch vụ nông nghiệp Tam Hòa, xã Tân Sơn; sản phẩm du lịch homestay bản Lác của HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp và du lịch bản Lác. Trong đó, có 2 sản phẩm được hỗ trợ tham gia thực hiện chuẩn hóa điểm sản phẩm OCOP năm 2019 là dệt thổ cẩm và du lịch homestay bản Lác, xã Chiềng Châu.
Sản phẩm rượu Mai Hạ của huyện Mai Châu rất thơm ngon được nhiều khách hàng ưa chuộng và tin dùng. |
Ông Đặng Mai Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: “Là chương trình lần đầu được triển khai thực hiện trên địa bàn, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với những ưu điểm vượt trội, chương trình OCOP được đánh giá là hướng đi đúng, là một trong những giải pháp cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phù hợp với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. huyện đã xây dựng kế hoạch để tiếp tục thực hiện, tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của địa phương, khuyến khích các tổ chức kinh tế, HTX trên địa bàn tiếp tục tham gia thực hiện đề án OCOP trong những năm tiếp theo”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng quan tâm chỉ đạo huyện Mai Châu thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông triển khai thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện các đối tượng là Hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức tham gia OCOP nâng cao về tổ chức sản xuất và kinh doanh.
Theo An Dân/Đầu tư VN-SHTT