Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Áp lực VPBank với dịch vụ cho vay tài chính, nợ nghìn tỷ ở Novaland sẽ ra sao?

THEO ĐTVN 08:06 10/02/2020

VPBank và Novaland gắn bó với nhau từ nhiều năm về trước thông qua hàng loạt dự án bắt tay nhau. Hiện nay cả 2 đang phải đối mặt với nhiều vấn đề

Bộ phận nghiên cứu chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương của J.P. Morgan mới đây đã lần đầu công bố báo cáo riêng về ngành ngân hàng Việt Nam.

Nói về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), theo JP Morgan, việc sở hữu công ty tài chính tiêu dùng Fe Credit có thị phần lớn nhất Việt Nam là yếu tố chính thúc đẩy tỷ lệ thu nhập lãi cận biện (NIM) của VPBank ở mức cao so với trung bình ngành (9,6%). Các khoản vay tiêu dùng chiếm 57% tổng dư nợ của ngân hàng và tạo ra lợi thế cạnh tranh cốt lõi cho VPBank.

Nói sâu hơn, JP Morgan cho biết về FE Credit chiếm 55% thị phần cho vay tài chính tiêu dùng tính trong năm 2017 với lãi suất cho vay bình quân từ 35 đến 40%/năm. NIM trung bình đạt 29% trong 3 năm qua.

Hơn 71% khoản vay của FE Credit là cho vay tiền mặt hoặc khoản vay cá nhân, khoản này có thể mang về mức lợi suất gần 50%/năm. Do vậy, mặc dù dư nợ của FE Credit chỉ chiếm 24% giá trị các khoản vay của VPBank nhưng đóng góp hơn 50% thu nhập hoạt động của toàn ngân hàng.

JP Morgan ước tính cho vay tiền mặt trong cơ cấu dư nợ FE Credit sẽ giảm 25% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2021 xuống còn 28% tổng dư nợ cho vay. Dẫn đến sự sụt giảm hiệu suất sinh lời của tài sản 110 điểm cơ bản/năm, NIM hàng năm giảm trên 80 điểm cơ bản và ROE giảm xuống 15-16% từ mức 20%. Điều này gây ra áp lực đối với cổ phiếu VPB, trước khi tăng trưởng trở lại.

Bên cạnh đó, rủi ro giảm giá của cổ phiếu VPB gồm sự cạnh tranh gia tăng tại phân khúc cho vay tiền mặt và việc chất lượng tài sản suy giảm. Trong khi đó, các yếu tố có thể hỗ trợ tăng giá là tăng trưởng cho vay tiêu dùng cao hơn kì vọng và sự cải thiện thu nhập ngoài lãi.

Đánh giá của JP Morgan không hẳn là không có cơ sở, khi báo cáo tài chính hợp nhất quý III của VPBank thể hiện, nợ xấu hợp nhất của ngân hàng này đang ở mức 3,1%. Trong đó, nợ xấu của riêng VPBank là 2,45%, nợ xấu của FE Credit là 5,21%.

Trong đó, nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của VPBank ghi nhận tới 8.901 tỷ đồng, tăng 14,6% so đầu kỳ. Tuy nhiên do dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng tương ứng nên tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này vẫn duy trì ở mức cao như đầu kỳ là 3,5%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 30%, lên tới 2.420 tỷ đồng.

Trong khi áp lực nợ xấu đang đè nặng lên VPBank thì con nợ của họ cũng rơi vào tình trạng không mấy sáng sủa. Mới đây, ngay trong đơn cầu cứu được gửi đi vào ngày 25/1/2020 (tức mùng 1 tết Nguyên Đán), ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Novaland cho biết, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã “kiệt sức”, cần Đảng và Nhà nước hỗ trợ vì đang bị mất tính thanh khoản.

Theo Tập đoàn này, trong trường hợp cổ phiếu của Novaland mất tính thanh khoản, sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ xấu như: gây nợ xấu 50.000 tỷ cho hệ thống ngân hàng; gần 250.000 khách hang biểu tình đòi trả nhà, đòi lấy lại tiền, mất an ninh trật tự TP, gây kiện tụng quốc tế dây chuyền phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư…

Điều đáng nói theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện cơ quan chức năng đang thanh kiểm tra rà soát nhiều dự án của của tập đoàn này.

VPBank cũng đang đối diện nhiều áp lực với sự phát triển nóng thời gian qua

Trên báo cáo tài chính hợp nhất Quý 4/2019, CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland - Mã CK: NVL) ghi nhận tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 22% so với đầu năm, đạt hơn 34.589 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng nguồn vốn.

Thuyết minh trên báo cáo tài chính cho thấy nguồn vốn vay của tập đoàn này đến từ các kênh vay ngân hàng, trái phiếu và vay từ bên thứ ba. Tính đến cuối năm 2019, danh sách chủ nợ được điểm tên lên tới con số 25.

Báo cáo tài chính thể hiện, Novaland có quan hệ tín dụng với cả chục ngân hàng lớn nhỏ trong nước. Trong đó, VPBank dẫn đầu với dư nợ 3.770 tỷ đồng, tiếp đến là nhóm MBBank và MBS với 3.010 tỷ đồng. Các ngân hàng như Sacombank hay VietinBank cũng có dư nợ tại Novaland lần lượt là 1.827 tỷ và 1.350 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một số ngân hàng quy mô vừa cũng dành khoản tín dụng khá lớn cho Novaland như TPBank và PVCombank, với dư nợ được ghi nhận lần lượt là 1.700 tỷ và 1.800 tỷ đồng.

Năm 2019, doanh thu của Novaland sụt giảm 28,5% so với năm trước. Dấu hiệu hụt hơi thể hiện rõ trong Quý 4/2019 khi tập đoàn ghi nhận mức doanh thu chưa bằng 1/6 so với cùng kỳ, đạt mức 1.380 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2019, tập đoàn này ghi nhận chi phí lãi vay 1.153,17 tỷ đồng, tức mỗi ngày phải trả hơn 3 tỷ đồng tiền lãi vay.

Việc Novaland báo lãi sau thuế 3.382 tỷ đồng, chủ yếu đến từ ghi nhận các khoản “lãi từ giao dịch mua rẻ”, vốn mang đậm tính kỹ thuật hơn là hiệu quả kinh doanh thực tế.

Khách hàng căng băng rôn phản đối đòi quyền lợi ở dự án Novaland

Trong khi đó, mối làm ăn giữa VPBank và Novanland đã kéo dài suốt nhiều năm nay. Trước đó, hàng loạt dự án của Novaland đều có quan hệ tín dụng với nhà băng này. Ví như năm 2015, Novaland hợp tác với ngân hàng VPBank triển khai chương trình bảo lãnh cho người mua nhà tại 4 dự án đầu tiên gồm: The Sun Avenue (Giao lộ giữa đại lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, Quận 2), RiverGate (151 - 155 Bến Vân Đồn, Quận 4), Lucky Palace (50 Phan Văn Khỏe, Quận 6) và The Tresor (39 Bến Vân Đồn, Quận 4) hay như khi vay mua nhà tại dự án Lexingtn Novaland, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất vay ưu đãi 5%/năm trong vòng 12 tháng đầu từ VPBank và mức cam kết hỗ trợ 100% lãi suất từ chủ đầu tư Novaland.

Như vậy, với chương trình ưu đãi kết hợp giữa VPBank và Novaland, khách hàng sẽ được vay với lãi suất ưu đãi 0%/năm từ thời điểm hoàn tất hợp đồng vay mua nhà tại Lexington Residence đến khi được nhận nhà (dự kiến vào tháng 3/2016).

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai chương trình vay mua nhà dành riêng cho khách hàng mua căn hộ của chủ đầu tư Novaland tại TP. HCM với lãi suất 7.49%/năm. Khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất đặc biệt 7,49%/năm trong 3 năm đầu tiên khi mua các dự án của Novaland ở TP. HCM gồm The Sun Avenue (Mai Chí Thọ, quận 2), RiverGate (Bến Vân Đồn, quận 4), The Botanica (Phổ Quang, quận Tân Bình) và Lucky Dragon (Đỗ Xuân Hợp, quận 9). Hơn nữa, khách hàng của VPBank sẽ được giảm thêm 2% trên tổng giá trị căn hộ tại tất cả dự án của Novaland....

Với hàng loạt dự án bắt tay như thế, đến nay khi mà Novaland đang kiệt sức thì có lẽ nhà băng VPBank cũng không thể không đau đầu lo lắng cho dòng tiền của mình đổ vào các dự án với tập đoàn này. Đó là chưa kể hàng loạt định chế tài chính khác cũng đang là chủ nợ lớn của tập đoàn này.

Dự án của Novaland đang bị đình trệ, nhiều dự án khác đang nằm trong diện thanh kiểm tra rà soát

Ông Nguyễn Hải Thanh - Chuyên viên kiểm toán KPMG phân tích, theo các dữ liệu tài chính trên sàn niêm yết thì cơ cấu nợ đa dạng và tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu dù đang được cải thiện nhưng nợ vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Nợ phải trả của Novaland tính đến 31/12/2019 là 65 ngàn tỷ/vốn chủ sở hữu 24,4 ngàn tỷ. Điều này cho thấy nguy cơ tài chính không an toàn luôn hiện hữu…

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đối với doanh nghiệp bất động sản việc huy động vốn ngoài nguồn vốn chủ sở hữu, trong đó huy động vốn vay từ ngân hàng, từ cá nhân và các tổ chức tín dụng khác là hoạt động bình thường để đảm bảo an ninh an toàn cũng như đảm bảo sự phát triển lành mạnh.

"Tuy nhiên, việc dùng hệ số đòn bẩy, tỷ lệ nợ trên số vốn chủ sở hữu cần có giới hạn nhất định. Theo thông lệ bình thường dao động từ 1 lần, tối đa 2 lần so với vốn chủ sở hữu. Các doanh nghiệp có vốn vay nợ trên vốn chủ sở hữu quá mức 3 lần thì rơi vào trạng thái cảnh báo đỏ” - ông Hiếu chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết Áp lực VPBank với dịch vụ cho vay tài chính, nợ nghìn tỷ ở Novaland sẽ ra sao? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng