Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Các nhà băng cho Novaland vay nghìn tỷ 'có ngồi trên lửa'?

SHTT/DTVN 10:33 08/02/2020

Các tổ chức tín dụng còn lại có các khoản cho vay dài hạn đối với Novaland là Sacombank, HDBank, OCB,…

Tới cuối năm 2019, tổng dư nợ vay của Novaland và các công ty con là gần 34.600 tỷ đồng, gồm 7.600 tỷ ngắn hạn và 27.000 tỷ dài hạn. Cơ cấu nguồn vốn là vay ngân hàng, vay trái phiếu và vay từ bên thứ ba đối với dư nợ ngắn hạn là 20,7%:25,5%:48,9%; với dư nợ dài hạn là 48%:40,8%:12,2%.

Trong nước, Novaland có quan hệ tín dụng với cả chục ngân hàng lớn nhỏ, trong đó VPBank tỏ ra hào phóng nhất với dư nợ 3.800 tỷ, nhóm MBBank và MBS 2.700 tỷ, Sacombank 1.650 tỷ, Vietinbank 1.350 tỷ...

Các tổ chức tín dụng còn lại có các khoản cho vay dài hạn đối với Novaland là Sacombank, HDBank, OCB,…

Liên quan đến Khu dân cư Bình Khánh (Water Bay) - dự án mà Chủ tịch Novaland khẩn cầu Bộ Xây dựng được tiếp tục triển khai, dự án ban đầu được BIDV ký hợp đồng tài trợ gần 5.000 tỷ đồng. Con số khổng lồ, tương đương 15% vốn điều lệ vào thời điểm cho vay của BIDV, dẫn tới những đồn đoán rằng không chỉ VinaCapital là bên duy nhất có lợi ích trong dự án.

Sau khi Công ty Thế Kỷ 21 (chủ đầu tư dự án) được bán cho Novaland (2015-2016), dự án chuyển sang vay Vietinbank Chi nhánh TP.HCM 3.400 tỷ đồng, trong đó 1.200 tỷ trả nợ BIDV, 2.200 tỷ để tiếp tục phát triển dự án Water Bay. Khoản nợ có kỳ hạn 48 tháng, ân hạn 18 tháng với lãi suất từ 10-10,8%/năm. Căn cứ vào lần giải ngân đầu tiên vào ngày 3/8/2016, thì khoản vay sẽ đáo hạn vào tháng 8/2020. Không rõ số phận khoản cho vay tương đương 1/10 vốn Vietinbank hiện nay ra sao, biết rằng dự án Water Bay rơi vào cảnh "đắp chiếu" sau khi các dự án ở Thủ Thiêm bị thanh kiểm tra 2 năm nay.

Trở lại với các chủ nợ của Novaland. Ít ai biết nhà băng ngoại Credit Suisse đã tài trợ cho Novaland khá lâu trước khi tập đoàn này niêm yết chứng khoán vào cuối năm 2016. Việc niêm yết cổ phiếu trong nước hay trái phiếu trên sàn Singapore chưa hẳn đã là ý chí của nhóm chủ Novaland, bởi các quỹ ngoại rót vốn vào Việt Nam thường đi kèm nhiều điều kiện và ràng buộc, chẳng hạn yêu cầu tỷ lệ sở hữu của nhóm chủ không được giảm xuống dưới một mức nhất định.

Trước đó, Novaland có đơn cầu cứu đề ngày 21/1 gửi Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. Trong đơn, đại diện doanh nghiệp cho biết đã "kiệt sức" và cần được hỗ trợ vì doanh nghiệp đang mất tính thanh khoản. Cụ thể, doanh nghiệp này đề xuất Bộ Xây dựng cho phép Công ty TNHH Phát Triển Quốc Tế Thế Kỷ 21 (Century 21) được tiếp tục thực hiện dự án 32,224 ha ở Bình Khánh, quận 2, TP HCM sau gần 2 năm bị tạm dừng.

Trong đơn kêu cứu, Novaland cho biết đã bỏ 6.000 tỷ đồng vào dự án và dự án đã đủ điều kiện bán hàng. Tuy nhiên, việc dự án bị dừng triển khai có thể khiến cổ phiếu của công ty mất tính thanh khoản và tạo nhiệu hệ luỵ khác.

Dự án Khu Dân cư Bình Khánh, tên thương mại là The Water Bay, có diện tích 30,224 ha do Century 21, công ty thành viên của Tập đoàn Novaland - làm chủ đầu tư. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và xây xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu, đang tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Dự án nằm trong thỏa thuận mua lại các căn hộ tái định cư thuộc dự án giữa chủ đầu tư và đại diện TP HCM là Ban quản lý Khu quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, do ngân sách thành phố khó khăn nên dự án được thống nhất thực hiện phương án hoàn tất giai đoạn 1, không đầu tư xây dựng giai đoạn 2 và dùng quỹ đất giai đoạn 2 để tạo vốn thanh toán cho giai đoạn 1.

Bạn đang đọc bài viết Các nhà băng cho Novaland vay nghìn tỷ 'có ngồi trên lửa'? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng