Chuyên gia tài chính báo động đỏ với Novaland
Mới đây Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn đã bày tỏ thẳng thắn thực trạng của tập đoàn mình trong đơn cầu cứu khẩn thiết gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngay ngày đầu năm mới Xuân Canh Tý. Ông chấp nhận nói ra những chi tiết lẽ ra là cấm kỵ đối với một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp top đầu, niêm yết chứng khoán ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế là hiện họ đã kiệt sức.
Ông Nhơn khẩn cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế Kỷ 21 (Công ty thành viên của Novaland do Novaland chuyển nhượng lại cổ phần) được tiếp tục phát triển Dự án Khu dân cư tại khu đất 30.224 ha tại Phường Bình Khánh, Quận 2, Tp. HCM. Dự án bị tạm dừng gần 2 năm, bất chấp đã đủ điều kiện bán hàng, khiến Novaland bị "chôn cứng" 6.000 tỷ đồng đã đầu tư.
Novaland hiện đang là con nợ của nhiều ngân hàng |
Mà đâu chỉ “tắc” tại riêng dự án trên, loạt dự án bất động sản có liên quan đến đất công khác trong nội thành Tp. HCM của Novaland cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hệ quả là, hàng tồn kho của Novaland tính đến cuối năm 2019 đạt mức 57.197 tỷ đồng, gấp 1,83 lần so với cuối năm 2018, chiếm tới 64% tổng tài sản.
Ông Nhơn và Novaland có thể rất uy tín và tháo vát trong việc dẫn vốn quốc tế nhưng đang bất lực trong việc xử lý các vướng mắc cơ chế. Hiện các dự án của ông đang vướng hàng loạt, phần vì đang bị thanh tra kiểm tr, phần vì có nhiều sai phạm. Tình hình tài chính của Novaland đã tới mức báo động.
Ông Nguyễn Hải Thanh - Chuyên viên kiểm toán KPMG phân tích, theo các dữ liệu tài chính trên sàn niêm yết thì cơ cấu nợ đa dạng và tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu dù đang được cải thiện nhưng nợ vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Nợ phải trả của Novaland tính đến 31/12/2019 là 65 ngàn tỷ/vốn chủ sở hữu 24,4 ngàn tỷ. Điều này cho thấy nguy cơ tài chính không an toàn luôn hiện hữu…
Trong các báo cáo phân tích về tình hình kinh doanh của Novaland cho thấy, với quy mô dự án đồ sộ nên trong thời gian qua, Novaland có cơ cấu nợ vay đa dạng, nhằm giúp tiết kiệm được chi phí tài chính lãi vay. Báo cáo tài chính cho thấy nợ vay bằng USD của Tập đoàn đang chiếm 55% tỷ trọng, 45% còn lại là nợ vay bằng đồng VND.
Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đối với doanh nghiệp bất động sản việc huy động vốn ngoài nguồn vốn chủ sở hữu, trong đó huy động vốn vay từ ngân hàng, từ cá nhân và các tổ chức tín dụng khác là hoạt động bình thường để đảm bảo an ninh an toàn cũng như đảm bảo sự phát triển lành mạnh.
"Tuy nhiên, việc dùng hệ số đòn bẩy, tỷ lệ nợ trên số vốn chủ sở hữu cần có giới hạn nhất định. Theo thông lệ bình thường dao động từ 1 lần, tối đa 2 lần so với vốn chủ sở hữu. Các doanh nghiệp có vốn vay nợ trên vốn chủ sở hữu quá mức 3 lần thì rơi vào trạng thái cảnh báo đỏ” - ông Hiếu chia sẻ.
Ngân hàng MB vẫn mạnh tay chi cho vay vì sao?
Năm 2019, doanh thu của Novaland sụt giảm 28,5% so với năm trước. Dấu hiệu hụt hơi thể hiện rõ trong Quý 4/2019 khi tập đoàn ghi nhận mức doanh thu chưa bằng 1/6 so với cùng kỳ, đạt mức 1.380 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2019, tập đoàn này ghi nhận chi phí lãi vay 1.153,17 tỷ đồng, tức mỗi ngày phải trả hơn 3 tỷ đồng tiền lãi vay.
MBBank và Novaland hợp tác với nhau ở nhiều dự án với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ |
Việc Novaland báo lãi sau thuế 3.382 tỷ đồng, chủ yếu đến từ ghi nhận các khoản “lãi từ giao dịch mua rẻ”, vốn mang đậm tính kỹ thuật hơn là hiệu quả kinh doanh thực tế.
Báo cáo tài chính thể hiện, Novaland có quan hệ tín dụng với cả chục ngân hàng lớn nhỏ trong nước. Trong đó, VPBank dẫn đầu với dư nợ 3.770 tỷ đồng, tiếp đến là nhóm MBBank và MBS với 3.010 tỷ đồng.
Các ngân hàng như Sacombank hay VietinBank cũng có dư nợ tại Novaland lần lượt là 1.827 tỷ và 1.350 tỷ đồng.
Với MBBank, mối liên hệ gắn bó với tập đoàn này thể hiện ở nhiều dự án, ví như vào tháng 3/2018, UBND TP.Cần Thơ, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn tư vấn BCG (The Boston Consulting Group) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cũng đã ký kết hợp tác chiến lược - triển khai dự án “Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu”.
Trong hoạt động cam kết đầu tư lần này, Tập đoàn Novaland cùng UBND TP.Cần Thơ sẽ cùng nhau phối hợp khảo sát, nghiên cứu, thu thập thông tin, dữ liệu để triển khai thực hiện dự án cụ thể như: Dự án Bến tổng hợp Cần Thơ (Hành khách - Hàng hóa - Du lịch) tại Bến phà Hậu Giang cũ, diện tích 3,5 ha tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ; Dự án Khu du lịch Cồn Sơn, diện tích 74,4 ha tại phường Bình thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ.
Hàng loạt dự án của tập đoàn Novaland khi khách hàng có nhu cầu vay vốn từ nhà băng đều có những chính sách cơ chế để tạo điều kiện. Novaland hiện đang liên kết với các ngân hàng VP Bank, Vietcombank, Seabank, MB… để hỗ trợ khách hàng vay vốn khi mua.
Trong đó thông tin trên báo chí, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ đã thành lập đoàn thanh tra về “công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường, đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…”. Tuy nhiên, hơn 1 năm từ khi lập đoàn thanh tra vẫn chưa có kết luận.
Trong số các doanh nghiệp có tên trong danh sách, Novaland và các công ty liên quan có đến 15 khu đất vàng phải cung cấp hồ sơ cho Thanh tra Chính phủ. Cụ thể là: Dự án Garden Gate tại số 8 Hoàng Minh Giám (Công ty CP Nova Festival); Golden Mansion, tại số 119 Phổ Quang (Công ty TNHH Nova Sagel); Kingston Residence tại số 146 Nguyễn Văn Trỗi và 223 – 223B Hoàng Văn Thụ (Công ty CP Nova Princess 146); River Gate, tại số 151-155 Bến Vân Đồn (Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova); Khu đất tại P.Long Thạnh Mỹ, quận 9 (Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova); Khu đất tại P.Phước Long B, quận 9 (Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova); Sunrise City tại P.Tân Hưng, quận 7 (Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova); Saigon Royal Residence tại 34-35 Bến Vân Đồn (Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova); The Tresor tại 39 Bến Vân Đồn (Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova); Icon 56 tại 56 Bến Vân Đồn (Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova); Wilton Tower tại 1W Điện Biên Phủ (Công ty CP Phương Đông); Khu đất 136 Lý Chính Thắng quận 3 (Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova); Galaxy 9 tại số 9 Nguyễn Khoái (Công ty CP Địa ốc Nova Galaxy); Lucky Palace tại 50 Phan Văn Khỏe quận 6 (Công ty TNHH Nova Lucky Palace).
Với những khó khăn chồng chất như hiện nay có lẽ MBBank sẽ đau cả đầu với khoản cho vay hàng nghìn tỷ của mình đối với ông lớn bất động sản lớn thứ nhì cả nước hiện nay. Và lúc đó, bài toán trách nhiệm của người đứng đầu nhà băng này sẽ là không nhỏ!