Lợi nhuận tăng trưởng tích cực
Các ngân hàng đã công khai báo cáo hoạt động quý II/2022. Bất chấp áp lực chi phí vốn gia tăng khi buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lũy kế 6 tháng, SHB đạt 8.442 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng mạnh so với mức 6.892 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Các chỉ tiêu tài chính cơ bản của SHB đều tăng cao đã đưa lợi nhuận trước thuế bán niên 2022 của SHB đạt 5.848 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ lần thứ 30, Ban lãnh đạo SHB đã trình và được cổ đông phê duyệt kế hoạch kinh doanh với mức lợi nhuận trước thuế tối thiểu đạt 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với thực hiện năm trước. Cơ sở để nhà băng này đặt ra mức lợi nhuận kể trên là kỳ vọng tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm nay ở mức 14,4%, ước đạt 421.715 tỷ đồng vào cuối năm.
Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2022, SHB đã hoàn thành trên 50% mục tiêu lợi nhuận.
Trong kỳ kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ghi nhận gần 60.000 tỷ đồng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự từ hoạt động cho vay. Thu nhập lãi thuần Agribank ghi nhận về trong kỳ bán niên này đạt gần 27.900 tỷ, tăng hơn 7%.
Sau 6 tháng, Agribank ghi nhận hơn 37.000 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ bán niên này, ngân hàng chỉ phải chi gần 7.500 tỷ để trích lập dự phòng hoạt động cho vay (cùng kỳ năm trước trích lập tới 12.650 tỷ đồng). Lãi trước thuế của Ngân hàng Nông nghiệp tăng hơn 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15.080 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 12.073 tỷ đồng.
Cũng trong kỳ tài chính này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) báo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt hơn 9.028 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được hơn 60% kế hoạch đề ra.
Nhiều ngân hàng biến động nợ xấu
Mặc dù lợi nhuận đều tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nhưng vấn đề nợ xấu đang khiến không ít nhà băng phải "đau đầu".
Đầu tiên phải kể đến Agribank. Dù không phải ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống nhưng Agribank hiện đang là ngân hàng có lượng tiền gửi của khách hàng cao nhất. Về chất lượng cho vay của ngân hàng này, tính đến cuối tháng 6/2022, trong số gần 1,4 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng, số dư nợ xấu (nhóm 3 - 5) chiếm gần 30.000 tỷ, tăng 22% so với đầu năm và chiếm 2,15% tổng dư nợ.
Phần lớn nợ xấu của Agribank hiện nay là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) với số dư gần 19.400 tỷ, chiếm 65% tổng số dư nợ xấu.
Tình trạng này cũng xảy ra tại SHB khi mà là tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này đạt 2,54%, tăng mạnh so với mức 1,6% cùng kỳ. Dù nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) đã giảm song nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gấp gần 3 lần và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 30%.
Tại thời điểm ngày 30/6/2022, Ngân hàng ACB có tổng dư nợ cho vay hơn 392.191 tỷ đồng. Về chất lượng, nợ xấu của ACB tăng mạnh chủ yếu đến từ việc nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng hơn 59% so với cùng kỳ và chiếm tới 73% tổng nợ xấu (2.998,2 tỷ đồng). Nợ xấu tăng lên khá cao, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng chung hơn 9% (khoảng 236 tỷ đồng) lên mức 2.924 tỷ đồng.
Phần nợ xấu gây nhiều chú ý trong báo cáo tài chính quý II/2022 vừa được Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) công bố. Trong khi phần lớn ngân hàng đều kiểm soát nợ xấu dưới 3% thì với tỉ lệ này tại NCB nhảy vọt lên 11%, tức cứ 100 đồng thì có 11 đồng là nợ xấu.
Tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng của NCB tăng lên gần 44.355 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn của NCB tăng từ mức 600 tỷ đồng lên 1.144 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ gấp 15 lần so với đầu năm, từ mức 180 tỷ đồng lên 2.626 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn cũng tăng hơn 140% và lên 1.130 tỷ đồng.