Hà Nội, Chủ nhật Ngày 08/09/2024

Đấu giá dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam để trả nợ: Thiệt về ai?

Doanh nhân Việt Nam 11:44 29/10/2020

Hiện nay, tổng dư nợ của Tổng Cty Giấy Việt Nam (Vinapaco) tại PVcomBank là 645 tỷ đồng, trong khi phương án bán đấu giá Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam hoàn toàn không khả thi.

Lãi mẹ đẻ lãi con
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Dự án) do Cty Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (nay là Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải – Tracodi) làm chủ đầu tư.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đắp chiếu nhiều năm. Ảnh: PV
Để tài trợ vốn cho Dự án này, PVFC Chi nhánh Vũng Tàu (nay là PVcomBank) đã ký 02 Hợp đồng tín dụng cho vay để thực hiện Dự án trên với dư nợ cho vay tính đến hết ngày 30/09/2020 là 645.072.585.277 đồng, bao gồm:Nợ gốc: 214.071.637.055 đồng; Nợ lãi trong hạn và lãi phạt quá hạn: 431.000.948.222 đồng.
Tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ nêu trên là các công trình trên đất, máy móc thiết bị hình thành từ vốn vay. Các bên đã ký thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định.
Ngày 24/08/2009, Tracodi gửi Công văn số 654/CV/TCD cho PVFC Chi nhánh Vũng Tàu về việc Thông báo thay đổi Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, trong đó xác định Vinapaco nhận bàn giao Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam từ Tracodi.
Đến thời điểm hiện tại, Vinapaco chưa hoàn thiện xây dựng xong phương án cơ cấu lại tài chính của Dự án, mà thực hiện theo phương án bán đấu giá toàn bộ Dự án khi chưa được sự đồng ý của PVcomBank.
Để đảm bảo quyền lợi của ngân hàng, tránh các tranh chấp phát sinh do việc bán đấu giá của Vinapaco, ngày 23/07/2019, PVcomBank đã gửi Đơn khởi kiện Vinapaco đến Tòa án nhân dân Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội về việc Tranh chấp Hợp đồng tín dụng và yêu cầu Vinapaco thực hiện nghĩa vụ đối với khoản vay. Đồng thời thông báo cho Vinapaco được biết.
Ngày 05/08/2019, Tòa án nhân dân Quận Hoàn Kiếm đã thụ lý vụ án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 41/2019/KDTM về việc Tranh chấp Hợp đồng tín dụng theo Đơn khởi kiện của PVcomBank và vụ việc đang được thực hiện các trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật
Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, đại diện PVcomBank cho biết, Tòa án đang yêu cầu các bên có liên quan tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải.
PVcomBank có nguy cơ mất vốn?
Giữa lùm xùm kiện cáo này, trước đó, ngày 17/9/2020, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đã chủ trì cuộc họp, yêu cầu Vinapaco và PVcomBank khẩn trương làm việc, thống nhất về phương án tháo gỡ khó khăn, xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam và có văn bản gửi Bộ Công thương.
Nợ xấu của PVcomBank 6 tháng đầu năm 2020 có chiều hướng gia tăng so với 2019
Bộ Công thương sẽ tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình xem xét, chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương trong tháng 09/2020.
Ngày 28/09/2020, Vinapaco và PVcomBank tổ chức buổi làm việc giữa hai Bên để trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ vụ kiện của PVcomBank.
Tại cuộc họp này, sau khi trao đổi, bàn bạc, hai bên đi đến một số kết luận. Theo đó, cả phía chủ nợ và con nợ đều cho rằng, phương án đấu giá toàn bộ Dự án là khó khả thi. Nguyên nhân là do việc thẩm định giá đang còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc. Trong khi khả năng tìm kiếm được nhà đầu tư quan tâm tham gia là thấp.
Hai bên thống nhất, Vinapaco sẽ xây dựng phương án xử lý tổng thể bao gồm cả các nghĩa vụ nợ với PVcomBank tại Dự án bột giấy Phương Nam, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời thông báo cho PVcomBank biết để cùng phối hợp thực hiện.
Câu hỏi đặt ra, liệu PVcomBank có nguy cơ mất hoàn toàn số tiền đã đầu tư hay không, khi Chủ đầu tư nhiều lần thẩm định và bán đấu giá tài sản nhưng không thành công?
Đại diện PVcomBank cho biết, các khoản vay của Vinapaco tại Dự án bột giấy Phương Nam đều có tài sản bảo đảm là các công trình trên đất, máy móc thiết bị hình thành từ vốn vay. Các bên đã ký thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định. Do vậy, PVcomBank có toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm hoặc áp dụng các biện pháp tố tụng để thu hồi nợ theo các quy định của pháp luật. Tất cả các vấn đề liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm nêu trên phải được sự đồng ý của PVcomBank.
Tháng 5 vừa qua, một lần nữa Bộ Công thương phải giải trình về tiến độ xử lý 12 đại dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành này. Trong đó, dự án có “số phận” bi đát Nhà máy bột giấy Phương Nam với vốn đầu tư ban đầu gần 1.490 tỉ đồng, sau đó tăng lên hơn 3.409 tỉ đồng.
Dự án ban đầu do Tracodi làm chủ đầu tư, sau đó chuyển giao cho Vinapaco. Năm 2008, dự án này bắt đầu khó khăn về tài chính và sau đó “đắp chiếu” đến nay.
Bộ Công thương cho biết, do gặp khó khăn về tài chính, Vinapaco không có khả năng chi trả các khoản nợ gốc và lãi nêu trên cho PVcomBank.
Hiện nay, không chỉ ôm khoản nợ được “kế thừa” từ Tracodi, Vinapaco còn đang loay hoay trong tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp này nằm trong danh sách phải cổ phần hóa, giai đoạn 2016 – 2020. Thời hạn cổ phần hóa chỉ còn 2 tháng, tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ ở mức “đang” tiếp tục thực hiện, hoàn tất toàn bộ các quy trình, thủ tục liên quan.
PVcomBank (Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam) ra đời từ năm 2013, sau khi sáp nhập Cty Tài chính Dầu khí (PVFC) và ngân hàng Phương Tây (Western Bank). Tính đến 30/6/2020, dư nợ cho vay của PVcomBank là trên 78 nghìn tỷ đồng, nợ xấu là 2.754 tỷ đồng (3,51%), tăng so với thời điểm cuối năm 2019 (2,63%).
Doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin liên quan vụ kiện này…
Theo KẾ TOẠI/DNVN

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/dau-gia-du-an-nha-may-bot-giay-phuong-nam-de-tra-no-khong-kha-thi-22455.html

Bạn đang đọc bài viết Đấu giá dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam để trả nợ: Thiệt về ai? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng