MSB cũng đang tiến hành nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu MSB tại HOSE. Đây là bước đi quan trọng giúp MSB đánh dấu vị thế của mình trên thị trường.
Một báo cáo "đẹp"
Để đáp ứng yêu cầu niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán, các doanh nghiệp, ngân hàng phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó quan trọng nhất là kết quả kinh doanh phải tốt. Kết quả kinh doanh do MSB công bố cũng không là ngoại lệ. Ngân hàng này đã công bố lãi trước thuế hơn 1.400 tỷ đồng trong 8 tháng, đạt 98% kế hoạch cả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế "bứt phá", đạt hơn 1.205 tỷ đồng, bằng 115% tổng lợi nhuận sau thuế của cả năm 2019.
Đặc biệt, mới đây, MSB công bố đã xóa sạch nợ xấu bán cho VAMC. Chỉ trong vòng 3 tháng quý 3/2020, MSB đã tất toán được hết 1.185 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Những con số ấn tượng trên giúp cho MSB khẳng định được vị thế của mình trên thị trường và “ghi điểm” trước các cổ đông.
Giai đoạn 2015 - 2017, hoạt động kinh doanh của MSB yếu kém. Chi phí dự phòng rủi ro cao đã "bào mòn" tới 91% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Liên tiếp trong 2 năm 2016 - 2017, MSB phải sử dụng hơn 1 nghìn tỷ đồng để trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROEA) của MSB trong những năm 2015 - 2017 ở mức rất thấp, chỉ trên dưới 1%, cho thấy số vốn của ngân hàng hầu như không sinh lời. Trong 2 năm trở lại đây, hiệu quả kinh doanh của MSB có những tăng trưởng vượt bậc, đưa chỉ số ROEA lên 6 – 7%.
ROEA là tỷ lệ lợi nhuận cho cổ đông, tối ưu nhất phải cao hơn 1,5 lần lãi suất tiết kiệm 12 tháng. Chỉ số trên cho thấy số vốn mà cổ đông của MSB bỏ ra thu về được rất ít lợi nhuận.
Tương tự, chỉ số sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của MSB trong các năm qua rơi vào khoảng 0,7%. ROAA là một trong các chỉ số đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ số này cực kì quan trọng trong việc lựa chọn ra những cổ phiếu tốt. Chỉ số ROAA quá thấp trong một thời gian dài cho thấy ngân hàng sử dụng tài sản ngày càng kém hiệu quả, và không tối ưu được các nguồn lực sẵn có. Điều đó cho thấy, hoạt động kinh doanh của ngân hàng không mang lại giá trị lớn cho cổ đông.
Thu nhập từ lãi biên (NIM) của MSB trong vòng 5 năm qua vào khoảng 2,5% (năm 2019: 2,4%, 2018: 2,76%). So sánh với một số ngân hàng khác có cùng quy mô cho thấy, các chỉ số sinh lời và thu nhập lãi biên của MSB thấp hơn rất nhiều. Ví dụ như chỉ số ROEA của HDBank những năm gần đây dao động ở mức 18 – 19%, chỉ số ROAA luôn đạt trên 1,6%, NIM đạt trên 4%.
Trong nhiều năm nay, MSB không trả cổ tức cho cổ đông. Trong năm 2020, nếu MSB không xóa được hết nợ xấu đã bán cho VAMC, ngân hàng này sẽ không được phép chia cổ tức bằng tiền mặt theo Thông tư 32/2019.
Do đó, MSB buộc phải tất toán hết nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2020 để hướng tới mục đích “lên sàn” HOSE và có thể trả cổ tức cho cổ đông sau nhiều năm lỡ hẹn.
Bí ẩn nguồn tiền xử lý nợ với VAMC
Trong năm 2015, ngay sau khi VAMC được thành lập và đi vào hoạt động, MSB đã bán gần 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu cho doanh nghiệp này, chiếm 1/10 tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành của VAMC năm đó.
Tính đến 31/12/2017, nợ xấu của MSB đã bán cho VAMC còn 9.319 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ cho vay khách hàng của MSB.
Tuy nhiên, sang năm 2018, MSB đã mua lại được 6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC. Đến hết năm 2019, nợ xấu của MSB tại VAMC còn 1.533 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên MSB 2020, lãnh đạo ngân hàng cho biết, MSB sẽ dùng nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2019 (sau khi đã trích lập các quỹ) khoảng hơn 886 tỷ đồng, cùng với một phần nguồn tiền thu được từ việc bán 50% vốn của công ty tài chính FCCOM cho Huyndai Card, để xử lý dứt điểm phần nợ xấu đã bán cho VAMC. (Hiện, MSB chưa chính thức công bố báo cáo tài chính quý 3/2020, nên chưa rõ ngân hàng sẽ hạch toán nợ xấu thu hồi này trong nội bảng, hay theo dõi ngoại bảng).
Các thông tin trên cho thấy, trong vòng hơn 2 năm 2018 và 2019, MSB đã mua lại hơn 7.500 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC. Và câu hỏi tự nhiên đặt ra, thời gian này MSB lấy đâu ra hơn 7.500 tỷ đồng để mua lại nợ đã bán cho VAMC?
Có hai khả năng xảy ra. Một là, MSB dùng số lợi nhuận giữ lại của ngân hàng để mua lại nợ xấu. Khả năng này không khả thi, vì từ năm 2017 đến hết quý 3/2020, lợi nhuận của MSB nếu được giữ lại hoàn toàn ước đạt trên 3.400 tỷ đồng. Tức là không đủ 50% tổng số tiền đã xử lý nợ với VAMC chỉ trong hai năm 2018 và 2019. Do đó, việc MSB chỉ dùng nguồn lợi nhuận hoạt động trong hai năm 2018, 2019 để xử lý nợ xấu bán cho VAMC vẫn cần làm rõ thêm.
Khả năng thứ hai, thực ra là một giả định có thể được hiện thực hóa. Nợ xấu, khi đã bán cho VAMC, cũng được VAMC kinh doanh, hoặc phối hợp cùng chính MSB để xử lý. Theo đó, nếu có nhà đầu tư sẵn sàng mua, hay trả nợ thay, thì món nợ xấu đó sẽ được thỏa thuận xử lý. Hoặc nếu ngân hàng đã trích lập xong dự phòng cho món nợ đó, VAMC có thể thống nhất cùng ngân hàng xóa nợ.
Khi nợ xấu tại VAMC đã xử lý xong, đương nhiên ngân hàng cũng sẽ ghi nhận giảm nợ xấu đã bán cho VAMC và hoàn nhập các khoản đã trích lập dự phòng trước đó.
Như vậy, nếu có dòng tiền hàng nghìn tỷ đồng từ các cá nhân, pháp nhân đổ vào mua lại nợ, hoặc trả các khoản nợ xấu MSB đã bán cho VAMC, đương nhiên sẽ giúp giảm tổng số trái phiếu VAMC mà MSB nắm giữ. Nguồn tiền sử dụng để mua nợ xấu có thể là từ trái phiếu doanh nghiệp, vốn vay tại ngân hàng khác... Khả năng này có thể xảy ra, tuy nhiên rất khó kiểm tra, làm rõ.
Theo tổng hợp từ HNX, trong giai đoạn từ quý 3/2017 tới quý 4/2019, một nhóm doanh nghiệp được cho là có liên hệ với một tập đoàn lớn tại Hà Nội đã phát hành nhiều lô trái phiếu kỳ hạn từ 5 - 10 năm, lãi suất 9 - 10%/năm, tổng giá trị hơn 14.000 tỷ đồng, để đầu tư vào nhiều dự án bất động sản ở một số địa phương.
Hiện doanh nghiệp chỉ có báo cáo về việc thanh toán lãi, chứ không công bố tình hình sử dụng vốn trái phiếu đã huy động. Tuy nhiên, có cơ sở để tin khi quy định theo dõi, giám sát sử dụng tiền huy động từ trái phiếu doanh nghiệp khá lỏng lẻo, khó theo dõi, thì dòng tiền này có thể được sử dụng như là một trong những nguồn để mua lại nợ xấu tại VAMC, hoặc cho mục đích khác của ngân hàng.