Sau hơn 4 năm triển khai, thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đất nước chịu tác động từ đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, 4 năm qua, hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt cơ bản được hoàn thiện; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ không ngừng mở rộng, đầu tư và nâng cấp; số lượng, giá trị các giao dịch được thực hiện qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh; việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy; các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã được ứng dụng vào hoạt động thanh toán... Đó là những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ.
-- |
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phấn đấu của toàn ngành Ngân hàng là đến cuối năm 2025, số lượng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25%/năm, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện còn nhiều bất cập cần giải quyết như khuôn khổ pháp lý chưa đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
“Hiện đang sửa Nghị định 101, trong đó, đề cập thanh toán quốc tế, thanh toán ví điện tử, đại lý thanh toán… Quan điểm của chúng tôi để thúc đẩy, đặc biệt về pháp lý, liệu có nên có 1 Luật thanh toán hay không? 84 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có Luật thanh toán, kể cả xung quanh chúng ta. Rất nhiều vấn đề mới buộc chúng ta phải làm như đồng tiền số, đồng tiền điện tử, thanh toán QR”, ông Phạm Tiến Dũng nêu ý kiến.
Đồng thời, theo chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực, ngành ngân hàng cần nhìn thẳng vào thực tế - khi nhiều người dân vẫn còn thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt, e ngại tiếp cận với các dịch vụ, công nghệ thanh toán mới. Giai đoạn tăng trưởng vừa rồi do tác động của Covid-19 buộc người dân phải giao dịch phi tiếp xúc, không phải vì mức thu nhập - đời sống của người dân tăng, không hoàn toàn do sức hút của hình thức thanh toán này.
“Kinh nghiệm quốc tế đều có 1 chương trình kích cầu về thanh toán không dùng tiền mặt, ví dụ Thái Lan, những món nhỏ dưới 5.000 bath miễn phí giai đoạn đầu. Của mình chẳng hạn dưới 100.000 đồng miễn phí, biết đâu dân sẽ áp dụng nhiều hơn, khuyến khích các cửa hàng lắp đặt. Thứ 2 là hệ thống thu thuế điện tử đồng bộ, đặc biệt chú trọng hệ thống thanh toán để dịch vụ công hoặc các khoản phúc lợi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.
Theo ông Lực, nên xây dựng 1 bộ tiêu chí để đo lường chính xác thanh toán không dùng tiền mặt như thế nào; ban hành quy định quản lý về fintech, bittech, mobilemoney. “Sẽ hơi mở thời gian đầu, sau đó kiểm soát dần. Nhưng điều quan trọng nhất là cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu, công nhận lẫn nhau phải có hành lang pháp lý”, ông Lực nêu quan điểm.