“Bốc hơi” 113 tỷ USD
Kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019, Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lây lan đã khiến khiến ngành hàng không trên toàn thế giới điêu đứng. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định Covid-19 có thể khiến khoảng 113 tỷ USD “bốc hơi” trong năm nay, cao hơn gấp ba lần dự báo mà chính IATA đưa ra cách đó chỉ hai tuần khi Covid-19 chưa lan rộng ở Châu Âu, Châu Mỹ.
BamBoo Airways đang nỗ lực hết sức trong cơn dịch covid-19 |
Với tình hình diễn biến phức tạp, Covid-19 không chỉ là mối đe dọa về sức khỏe mà còn khiến khách du lịch hạn chế di chuyển bằng máy bay trong một thời gian dài, kéo theo tình trạng thiệt hại lâu dài về kinh tế toàn cầu.
Ảnh 1: Ngày 15/3, American Airlines thông báo dự kiến cắt giảm 75% các chuyến bay quốc tế đến ngày 6/5 vì nhu cầu đi lại giảm
Người đứng đầu IATA, Alexandre de Juniac nhận định: "Chưa đầy hai tháng, triển vọng của ngành hàng không ở nhiều nước trên thế giới đang có những biến chuyển xấu đi nghiêm trọng". Ông cũng cho biết sự thay đổi theo chiều hướng xấu nói trên là điều "gần như chưa có tiền lệ".
Có nhiều dấu hiệu cho thấy ngành du lịch - hàng không toàn cầu thế giới đang ngày càng có dấu hiệu đi xuống. Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh về những chiếc máy bay vắng khách hay những bức ảnh sân bay trống trơn tại nhiều thành phố lớn tại châu Âu, châu Á, kể cả Mỹ.
Sự sụt giảm nghiêm trọng lưu lượng hành khách di chuyển khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới có động thái thu hẹp về nhân lực, đội bay cũng như mạng bay.
Một số hãng hàng không như American Airlines, United Airlines và Delta Airlines thông báo đóng cửa các đường bay mới.
Ngày 14/3, Hãng United Airlines cho biết, kể từ ngày 16/3 sẽ tạm đình chỉ các chuyến bay tới London khởi hành từ Thành phố Houston và Denver. Hãng cũng cho biết sẽ giảm bớt các chuyến bay nội địa.
Cùng ngày, hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ American Airlines thông báo dự kiến cắt giảm 75% các chuyến bay quốc tế đến ngày 6/5 vì nhu cầu đi lại giảm.
Trước đó 1 ngày, Delta Airlines thông báo cắt giảm khoảng 40% chuyến bay, gần như ngừng toàn bộ tất cả chuyến bay tới châu Âu trong 30 ngày và cho tạm nghỉ 300 máy bay. Đây là mức cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử hãng hàng không này.
Cắt giảm hàng loạt chuyến bay
Quay về thị trường nội địa Việt Nam, trong văn bản mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các đơn vị trong ngành giao thông vận tải, Bộ GTVT cho biết, sơ bộ thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không nội địa là khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, tính đến nay, các hãng hàng khai thác chuyến bay đi/đến Việt Nam đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.
Ảnh 2: Sơ bộ thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không nội địa là khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, cắt toàn bộ chuyến bay Trung Quốc, Hàn Quốc; cắt giảm 25% số chuyến bay Đài Loan (Trung Quốc) (còn 172 chuyến/tuần so với 231 chuyến/tuần so với cuối năm 2019).
Đường bay Nhật Bản hiện chưa cắt giảm chuyến bay (vẫn giữ 160 chuyến/tuần), nhưng các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới.
Mới đây, vào ngày 15/3, Chính phủ Việt Nam thông báo kể từ 12:00 ngày 15/3, tất cả những người đến từ cộng đồng Châu Âu (khối Schengen, trong đó có Pháp), hoặc đã sinh sống, hoặc đã chuyển tiếp chuyến bay trong lãnh thổ cộng đồng Châu Âu trong vòng 14 ngày qua sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam khiến đường bay đến Châu Âu có nguy cơ cắt giảm sâu. Theo thông tin trước đó, từ 25/3, đường bay tới châu Âu sẽ cắt giảm 17,5% số chuyến bay (khai thác 66 chuyến/tuần thay vì 80 chuyến/tuần).
Trên cơ sở số liệu vận chuyển cập nhật, Cục HKVN đánh giá trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với năm 2019. Trong đó các hãng hàng không nội địa vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2 % so cùng kỳ năm 2019).
Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6 % so 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17 % so cùng kỳ).
Việc cắt giảm nhiều chuyến bay khiến cho khoảng 100 tàu bay của các hãng đã nằm “đắp chiếu”, trong khi chi phí mà các hãng phải trả tiền thuê máy bay dao động từ 0,4 triệu đến 1 triệu USD/tháng, tổng thiệt hại hơn 50 triệu USD/tháng.
Không chỉ vậy, các hãng hàng không Việt còn thiệt hại về chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ cũng như chi phí vệ sinh phòng dịch khiến tình hình chung càng trở nên khó khăn hơn.
Nỗ lực từ nhiều phía
Theo CafeF tạm tính, trong 12 tháng phục vụ của hàng không, 5 tháng bị sụt giảm doanh thu từ 40-70% có thể dẫn tới giảm 50 - 80% lợi nhuận tương ứng. Tính bình quân cả năm, các công ty trong ngành sẽ bị sụt giảm từ 17-30% doanh thu nếu nửa cuối năm hồi phục hoàn toàn về ban đầu như lúc trước khi xảy ra dịch Covid-19. Nếu nửa cuối năm mức độ hồi phục của các chuyến bay bằng ½ so với số lượng chuyến mất đi thì tính bình quân cả năm, doanh thu sẽ sụt giảm từ 30-50% so với trước khi xảy ra dịch bệnh, dẫn tới lợi nhuận có thể sụt giảm nhiều hơn từ 40-70% lợi nhuận.
Lãnh đạo của một hãng hàng không cho biết: “Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các hãng đều đang nỗ lực vượt khủng khoảng bằng nhiều giải pháp ứng phó bất chấp khó khăn về tài chính, nhằm mang đến cho hàng triệu hành khách sự an tâm và những chuyến bay an toàn. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ và thông cảm từ phía người dân và du khách, để có thêm động lực trong giai đoạn khó khăn này”.
Theo ghi nhận của các hãng bay, ngoài nỗ lực của các Hãng, hành khách đã ý thức rõ được tính chất của Covid-19 nên hầu hết đều nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về phòng dịch của phi hành đoàn.
Cùng với đó, trên mạng xã hội gần đây đang diễn ra nhiều chiến dịch ủng hộ và san sẻ cùng các hãng hàng không, mà mới đây nhất là chiến dịch rời ngày du lịch chứ không hủy chuyến với khẩu hiệu Đừng huỷ chuyến, hãy dời ngày thôi, cho thấy một bộ phận hành khách văn minh đang ủng hộ các hãng trong giai đoạn khó khăn khi máy bay vẫn được đánh giá là phương tiện di chuyển an toàn.
Đồng thời, nhiều hãng bay cũng tung ra loạt vé giá hấp dẫn hỗ trợ phục hồi du lịch đã giúp lượng khách có dấu hiệu gia tăng trở lại, trong đó các điểm du lịch có khí hậu ấm áp, không khí trong lành được nhiều người tìm đến để giải tỏa ngột ngạt sau thời gian dài quẩn quanh ở nhà tránh dịch.
Bùi Thanh