Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn giảm phí, lệ phí ngành hàng không

TDVN 11:08 29/06/2021

29 khoản phí và lệ phí trong lĩnh vực hàng không đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn đến hết 31/12/2021.

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong lĩnh vực hàng không, hàng loạt các loại thuế phí trong ngành này cũng được Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn, miễn giảm để hỗ trợ các hãng bay trong nước có thêm nguồn lực để vượt qua dịch Covid-19.

Theo đó, 29 khoản phí và lệ phí trong lĩnh vực hàng không đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 vừa được gia hạn đến hết 31/12/2021. Thời gian hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021.

Cụ thể, phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng sẽ được gia hạn giảm 80% mức thu phí tại quy định năm 2016, từ 20 triệu xuống còn 16 triệu mỗi lần đối với cấp lần đầu.

Tiếp đến là phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay. Cụ thể, giảm bằng 90% mức thu phí quy định năm 2016. Hiện tại, mức thu phí đối với dịch vụ này là 165.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh; phí kinh doanh cảng hàng không là 335.000 đồng/lượt tương tự.

Phí cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay được giảm bằng 80% mức thu phí quy định năm 2016. Theo quy định, mức lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay là 50 USD/chuyến bay đến và phí hải quan cũng là 50 USD/chuyến.

Cùng với đó, phí đăng ký giao dịch bảo đảm được giảm bằng 80% mức thu phí tại quy định các năm 2016 và 2017 của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn giảm phí, lệ phí ngành hàng không.

Theo Bộ Tài chính, thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng kể từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021 với số giảm thu từ phí, lệ phí trong 6 tháng ước khoảng 1.000 tỉ đồng.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng đang dự thảo văn bản đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021 - 2023 cho các hãng hàng không với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Bộ này cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Bộ KH&ĐT cho rằng Bộ Tài chính cần sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, những giải pháp về thuế, phí, giá là vô cùng cần thiết. Hiện Cục Hàng không đã hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi, tái cơ cấu thị trường, thậm chí chuyển đổi máy bay từ chở khách sang chở hàng.

Tuy nhiên, Cục Hàng không thừa nhận khó khăn hiện nay mấu chốt nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch Covid-19.

Trước đó, Bộ KH&ĐT cũng cho biết hàng không là thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.

Đợt dịch Covid-19 lần 3 bùng phát dịp tết năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.

Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến lỗ Quý I năm 2021 khoảng 4.800 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng.

Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không.

Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/bo-tai-chinh-tiep-tuc-gia-han-giam-phi-le-phi-nganh-hang-khong-56848.html

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn giảm phí, lệ phí ngành hàng không tại chuyên mục Dịch vụ hàng không. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dịch vụ hàng không