Hà Nội, Thứ Năm Ngày 12/12/2024

Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác

TDVN 13:55 11/12/2024

Những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, đây cũng là dịp thực phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ trà trộn vào bày bán. Nhiều cơ sở chế biến, sản xuất không đảm bảo vệ sinh.

Theo Bộ Y tế, trong 9 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng hơn 2 lần, số vụ có người mắc (trên 30 người) cũng tăng. Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc qua xét nghiệm có vụ do vi sinh vật salmonella trong thịt nguội, trong các món gà, thịt lợn qua chế biến, chả lụa nhiễm sinh vật Bacillus cereus trong thức ăn nấu chín…

Theo Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Gần đến Tết, nhiều thực phẩm “bẩn” tuồn vào thị trường, hàng quán vỉa hè chế biến bán cho người tiêu dùng. Vì vậy, Cục Quản lý thị trường, Công an… đã tăng cường kiểm tra thực phẩm không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu đưa vào thị trường. Chi cục An toàn thực phẩm tăng cường hậu kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể để phát hiện và chấn chỉnh vi phạm.

Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Điển hình, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở Bò nhúng dấm 555 (Giảng Võ, Ba Đình) phát hiện cơ sở này kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt chủ hộ kinh doanh Bò nhúng dấm 555 với số tiền 12,5 triệu đồng.

Cùng thời điểm đó, Công ty Cổ phần tập đoàn Golden Gate - Chi nhánh Miền Bắc (tầng 6, tòa nhà Toyota, 315 Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) bị xử phạt 12 triệu đồng do lỗi thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.

Kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc của thực phẩm đông lạnh.

Cùng mắc lỗi thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn, Công ty TNHH Chả cá Hàng Sơn (số nhà 24, ngõ 162, tổ 5, cụm 1 đường Khương Đình, Phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) và Công ty TNHH Blue Pearing Việt Nam (số 242 đường Âu Cơ, Quảng An, quận Tây Hồ) bị xử phạt mức 16 triệu đồng.

Kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Công ty cổ phần STC Bình Minh Việt (tổ dân phố số 5, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) và Công ty Cổ phần Ngôi sao Thiên Hà (số 87 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình) cùng bị xử phạt mức 25 triệu đồng.

Để ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trên địa bàn, trong đó bảo đảm toàn bộ bếp ăn tập thể được kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, được phân công, phân cấp quản lý đầy đủ, bảo đảm không để sót, không có đơn vị không bảo đảm an toàn thực phẩm được phép hoạt động.

Các đơn vị phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Đồng thời, mỗi người cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo các nguyên tắc chế biến để tránh nguy cơ ngộ độc.

Theo VietQ

Link gốc : https://vietq.vn/phat-hien-nhieu-co-so-kinh-doanh-thuc-pham-khong-ro-nguon-goc-nhan-mac-d228463.html

Bạn đang đọc bài viết Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác tại chuyên mục Đánh giá sản phẩm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đánh giá sản phẩm