Dù trong quy chế tuyển sinh có nêu rõ, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các bác sĩ nội trú sẽ được cấp 3 tấm bằng bao gồm: Bằng bác sĩ nội trú bệnh viện, bằng Chuyên khoa cấp I và bằng Thạc sĩ, tuy nhiên, từ năm 2004 đến năm 2017, Đại học Y Hà Nội chỉ cấp duy nhất một tấm bằng Bác sĩ nội trú cho hàng trăm bác sĩ, gây nên nhiều bức xúc, bất bình…
9 năm học tập chỉ nhận lại 1 tấm bằng
Bác sĩ nội trú (BSNT) là loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành y tế nói chung và là một chương trình đào tạo đặc biệt của trường Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN) dành cho các bác sĩ mới ra trường.
Theo đó, sau khi tốt nghiệp hệ chính quy các chuyên ngành y ở ĐHYHN, các bác sĩ có nguyện vọng được học hệ BSNT phải làm đơn dự thi và chỉ được dự thi duy nhất một lần ngay sau khi tốt nghiệp đại học.
Đơn "kêu cứu" khẩn cấp của hơn 100 bác sĩ đã tốt nghiệp các khóa Bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội gửi Báo Đại Đoàn Kết. |
Để dự thi vào hệ BSNT của ĐHYHN, các bác sĩ được sàng lọc đầu vào rất khắt khe về cả học lực lẫn sức khỏe với hình thức đào tạo chính quy tập trung 3 năm.
Theo đơn cầu cứu khẩn cấp của 100 bác sĩ gửi Báo Đại Đoàn Kết, mặc dù trong quá trình tuyển sinh các khóa đào tạo hệ BSNT, trường ĐHYHN có thông báo rất rõ, chương trình đào tạo BSNT tương đương đào tạo Cao học. Sau khi hoàn thành 3 năm hệ BSNT sẽ được cấp 3 tấm bằng bao gồm: Bằng Bác sĩ nội trú bệnh viện, bằng chuyên khoa cấp I và bằng Thạc sĩ.
Tuy nhiên thực tế, khi công nhận tốt nghiệp cho hàng trăm bác sĩ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo BSNT tại ĐHYHN thuộc các khóa đào tạo từ năm 2004 đến 2017 (từ khóa 28 đến khóa 39), các bác sĩ chỉ được cấp duy nhất một bằng là Bác sĩ nội trú, hai tấm bằng còn lại là bằng chuyên khoa cấp I và bằng Thạc sĩ thì “chỉ nằm giấy”.
Điều này hoàn toàn trái ngược với các thông báo tuyển sinh chính thức hệ BSNT của ĐHYHN trước đó, đồng thời không thực hiện đúng các văn bản pháp luật có liên quan.
Trong khi để hoàn thành 3 năm học này, các bác sĩ cho biết mình phải hoàn thành cả chương trình đào tạo Cao học, việc học chương trình tích hợp như vậy là rất khó khăn, vất vả và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.
Việc gồng mình học nhiều hơn cho đủ các môn bổ sung với đủ các đơn vị học trình để phù hợp với mục tiêu đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành tương ứng với Quy chế đào tạo Sau đại học… nhưng nhận lại chỉ vỏn vẹn một tấm bằng là bất hợp lí, hoàn toàn trái với các quy định pháp luật.
Mập mờ trong tuyển sinh, vướng mắc hơn chục năm trời
Trong nhiều năm, những bác sĩ đã từng tham gia hệ đào tạo BSNT tại ĐHYHN đã nhiều lần kêu cứu nhưng vẫn chỉ nhận được những câu trả lời thiếu trách nhiệm rằng, việc không nhận được bằng Cao học là do chỉ tiêu đào tạo BSNT nằm ngoài chỉ tiêu đào tạo Thạc sĩ.
Tuy nhiên, cũng theo các bác sĩ gửi đơn kêu cứu đến Báo Đại Đoàn Kết, ngay từ đầu, mỗi khóa tuyển sinh hệ BSNT, ĐHYHN không thông báo rõ ràng rằng chương trình đào tạo BSNT không có chỉ tiêu kèm theo đào tạo Thạc sĩ và chương trình đào tạo này không bao gồm cả chương trình đào tạo Cao học.
Chính sự mập mờ trong cách thức tuyển sinh đã dẫn đến hậu quả hàng trăm bác sĩ không được cấp đủ văn bằng theo đúng quy định và gây hiểu lầm cho những khóa sau. Để lại những hệ lụy nghiêm trọng sau này, gây nên sự bất bình và bức xúc suốt chục năm trời.
Theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BYT ngày 4/7/2006 của Bộ Y tế về việc Ban hành quy chế đào tạo BSNT, tại Điều 16 có nêu rõ: Công nhận tốt nghiệp: Học viên tốt nghiệp được cấp bằng Bác sĩ nội trú, bằng Chuyên khoa cấp I và được đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng Thạc sĩ. Hiệu trưởng các trường đại học đào tạo BSNT kí bằng tốt nghiệp.
Cũng trong thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT/BGD&ĐT-BYT ngày 1/7/2003 giữa Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế về việc chuyển đổi giữa các văn bằng và trình độ đào tạo sau đại học trong lĩnh vực y tế cũng có các quy định rõ ràng:
“- Người trúng tuyển hệ đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện sẽ được công nhận là học viên cao học.
- Bác sĩ được đào tạo theo chương trình nội trú bệnh viện sẽ học bổ sung các môn còn thiếu trong chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành tương ứng theo Quy chế đào tạo sau đại học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú bệnh viện, học viên sẽ được cấp bằng thạc sĩ y học”.
Vì vậy, việc ĐHYHN chỉ cấp duy nhất bằng BSNT mà không cấp bằng Chuyên khoa cấp I, bằng Thạc sĩ suốt thời gian dài là những vi phạm khó có thể chấp nhận.
Việc dành 3 năm để hoàn thành hệ đào tạo BSNT tốn rất nhiều thời gian, công sức của các bác sĩ những đổi lại chỉ được cấp 1 tấm bằng khiến cho các bác sĩ nội trú chịu nhiều thiệt thòi, bất công. Với việc chỉ có duy nhất 1 tấm bằng Bác sĩ nội trú, hệ số lương của họ chỉ được tính bằng hệ số lương của một cử nhân mới ra trường.
Với những bác sĩ chọn tiếp tục con đường học tập, nghiên cứu, không có bằng Thạc sĩ cũng sẽ là một rào cản rất lớn. Nếu thi tuyển Thạc sĩ, họ sẽ phải chấp nhận học lại tất cả những gì đã được học trong chương trình đào tạo của hệ BSNT. Vừa mất thêm thời gian, vừa tốn kém về mặt kinh tế và sự bức xúc đeo bám dai dẳng…
Bên cạnh đó, rất nhiều BSNT cũng không thể trở thành giảng viên chính hoặc bác sĩ chính do thiếu bằng Cao học và bằng Chuyên khoa cấp I.
Mặc dù vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, qua nhiều khóa đào tạo nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được một lần giải quyết và có câu trả lời thỏa đáng, để lại rất nhiều bức xúc, bất bình của các BSNT.
Phiếu chuyển đơn của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu gửi Bộ trường Bộ GD&ĐT. |
Mới đây nhất, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội Khóa XIV cũng đã có phiếu chuyển đơn đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vụ việc này.
Trong phiếu chuyển, PGS.TSNguyễn Lân Hiếu nêu rõ quan điểm: “Nhận thấy đây là một vấn đề tồn tại nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các bác sĩ nội trú - một lực lượng chuyên môn sâu nòng cốt của ngành y Việt Nam. Căn cứ vào các văn bằng pháp lý, thông tư, quyết định của liên bộ khẳng định sự đúng đắn của quyền lợi hợp pháp…
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi - những con người trong nhóm ngành luôn đề cao và tôn trọng đạo đức - trách nhiệm - tận tâm và tận lực không thể chấp nhận được cách hành xử thiếu công bằng, thiếu văn minh và vô trách nhiệm như vậy. Chúng tôi cần ĐHYHN chịu trách nhiệm cho những sai phạm này và chúng tôi cũng tha thiết mong Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế can thiệp để giải quyết công bằng cho chúng tôi”, đơn kêu cứu của các bác sĩ.
(Còn nữa)