Hưởng ứng chính sách của Chính phủ và lời kêu gọi toàn thế giới hành động bảo vệ môi trường, nhiều trường học tại Việt Nam đã lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời, hệ thống mang đến nhiều lợi ích thiết thực hiệu quả.
Hệ thống điện mặt trời hòa lưới với các tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái nhà trường, mái nhà giữ xe, khu đất trống trong khuôn viên trường… Các tấm pin sẽ hấp thu quang năng từ mặt trời, bộ chuyển đổi Inverter hoạt động chuyển quang năng thành điện năng, sau đó điện sạch sẽ theo đường dây đến các thiết bị tiêu thụ điện.
Lắp đặt điện mặt trời trong nhà trường đã giúp cho việc tiết kiệm chi phí điện năng hàng tháng; giảm phát thải CO2; giúp cho học sinh dễ dàng tiếp cận, trải nghiệm và quan sát trực quan năng lượng xanh từ mô hình thực tế của hệ thống điện mặt trời hòa lưới. Từ đó khơi ngợi và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường hiệu quả cũng như nâng cao kiến thức, ý tưởng sáng tạo cho học sinh.
Bà Phạm Phương Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Văn Ngọc (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tháng 7/2019, Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, Điện lực Côn Đảo đã phối hợp với các đơn vị liên quan trao tặng hệ thống điện mặt trời áp mái cho nhà trường. Hệ thống có tổng công suất 12 kWp, gồm 36 tấm pin năng lượng mặt trời, với sản lượng bình quân là 50 kWh/ngày. Từ khi sử dụng mô hình điện năng lượng mặt trời, hàng tháng nhà trường tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể. Ngoài sản lượng điện cung cấp đủ cho tất cả các thiết bị chiếu sáng, quạt, hệ thống máy tính, các công trình phụ, toàn bộ phòng học và phòng hiệu bộ nhà trường… mà phần điện dư có thể bán lại cho ngành điện.
Bà Phạm Phương Mai chia sẻ: Nguồn tiền này giúp nhà trường đảm bảo điều kiện học tập, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất bàn ghế cho học sinh học tập, ngoài ra cũng có kinh phí hỗ trợ thêm cho em học sinh khó khăn đang học tập tại trường, giúp các em có đầy đủ đồ dùng học tập. Đặc biệt, nhà trường được sử dụng nguồn năng lượng sạch không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường.