Truy tố 17 bị can với 2 tội danh
Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã nhận hồ sơ vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM và đang nghiên cứu để đưa ra xét xử với 17 bị cáo về các tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong đó, bị can Trần Ngọc Hà - nguyên Chủ tịch HĐTV, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cùng 15 người khác bị truy tố tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; Riêng bị can Nguyễn Văn Khôi - nguyên Trưởng Ban kiểm soát; thành viên HĐTV VEAM bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo buộc VEAM đại diện chủ sở hữu là Bộ Công thương (có vốn hơn 88%). Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại VEAM - Vetranco là công ty con của VEAM.
Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, Vũ Từ Công - Kế toán trưởng VEAM tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Lâm Chí Quang - Tổng Giám đốc VEAM ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng (sau khi hợp nhất văn bản bảo lãnh ngày 5/8/2009 và 23/6/2011 thành văn bản bảo lãnh ngày 17/7/2012 nên còn 4 chứng thư bảo lãnh) cho Vetranco vay tổng số 193 tỷ đồng, gồm: Bảo lãnh tại Vietinbank Chi nhánh Hà Nội ngày 20/5/2011, số tiền 50 tỷ đồng; tại Agribank Chi nhánh Hoàng Mai ngày 17/8/2011, số tiền 40 tỷ đồng; tại BIDV Sở giao dịch 3 ngày 17/7/2012, số tiền 40 tỷ đồng và tại Agribank Chi nhánh Long Biên ngày 17/1/2013, số tiền 63 tỷ đồng.
Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco đã vay tiền tại các Ngân hàng để kinh doanh với các Công ty CP Đầu tư Minh Quang, Công ty CP thép Minh Quang, Công ty CP đầu tư Tương Lai và Công ty TNHH Đầu tư TM & XNK Hải Đăng. Tuy nhiên, hiện các công ty này đã dừng hoạt động không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ cho Vetranco.
Do vậy Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng nên VEAM đã bị các ngân hàng cưỡng thu hoặc phải trả nợ thay Vetranco tổng số tiền gần 76 tỷ đồng tại Agribank Hoàng Mai, BIDV Sở giao dịch 3 và Agribank Long Biên.
Để che giấu việc cho vay tiền trái quy định, Đào Quốc Việt và Trần Quang Tiến thỏa thuận hợp thức bằng cách lập các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Quá trình Vetranco cho các công ty của Trần Quang Tiến vay tiền diễn ra trong thời gian dài, trong đó nhiều khoản vay đã được tất toán, còn lại 15 khoản vay phát sinh trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2013, Trần Quang Tiến không hoàn trả được, gây thiệt hại cho Vetranco số tiền gần 183 tỷ đồng.
Ngoài ra, khi thực hiện Dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung và ký kết và thực hiện 2 Thỏa thuận VEAM-ZIBO đầu tư phát triển xe ô tô tay lái bên phải của lãnh đạo VEAM đã khiến Nhà nước thiệt hại hơn 66 tỷ đồng.
Sai phạm của cựu lãnh đạo VEAM
Theo cáo buộc, ông Trần Ngọc Hà là Chủ tịch Hội đồng thành viên VEAM trong thời gian từ ngày 15/4/2011 đến ngày 31/12/2014, Tổng Giám đốc VEAM từ ngày 1/1/2015 đến ngày 8/8/2018.
Bị can Trần Ngọc Hà với quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên VEAM, biết và buộc phải biết việc bảo lãnh thanh toán cho Vetranco là vi phạm về tỷ lệ bảo lãnh vay vốn theo các quy định pháp luật. Song bị can Hà vẫn tạo điều kiện cho cấp dưới thực hiện việc bảo lãnh, cho vay trái quy định gây thiệt hại cho VEAM số tiền gần 76 tỷ đồng.
Năm 2016, Dự án “Đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung” của VEAM đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chưa được Bộ Công thương xem xét, quyết định đầu tư nhưng Trần Ngọc Hà với chức danh Tổng Giám đốc VEAM vẫn thực hiện việc ký kết Hợp đồng cung cấp Li-xăng với Công ty ISEKI (Nhật Bản) và thanh toán 2 đợt, số tiền 2,5 triệu USD nhưng sau đó không có căn cứ thu hồi, gây thiệt hại cho VEAM số tiền gần 57 tỷ đồng.
Năm 2015, Trần Ngọc Hà với chức danh Tổng Giám đốc VEAM đã tự ý quyết định hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc) thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển sản phẩm xe ô tô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Srilanka nhưng không có Nghị quyết của Hội đồng thành viên VEAM, không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt của VEAM.
Ông Trần Ngọc Hà đã quyết định việc chuyển tạm ứng cho Công ty T-King tổng số tiền 400.000 USD để T-King nghiên cứu, phát triển các bộ linh kiện xe ôtô tay lái bên phải. Do kế hoạch nêu trên không thực hiện được và không thu hồi được khoản đã tạm ứng nên VEAM bị thiệt hại số tiền gần 10 tỷ đồng.
Trong vụ án, Viện Kiểm sát cáo buộc bị can Hà giữ vai trò chính khiến nhà nước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Với hành vi bị truy tố, ông Hà và 15 bị can đối diện với mức án từ 10-20 năm về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.