Nhà nuôi muỗi Wolbachia có chức năng lai tạo và nhân nuôi muỗi vằn (Aedes aegypti). Muỗi này sẽ mang Wolbachia từ muỗi vằn thu được tại địa phương, có đặc tính giảm khả năng lây truyền virus Dengue gây sốt xuất huyết. Tại Việt Nam, dự án Wolbachia chương trình Muỗi thế giới (World Mosquito Program) đã xây dựng nhà nuôi đạt quy tắc an toàn sinh học cấp 2 tại Viện Pasteur TP.HCM. Nhà nuôi muỗi này có công suất 3 triệu trứng mỗi tuần.
Chọn muỗi địa phương để nhân nuôi
Muỗi được nuôi trong dự án là muỗi vằn, có tên khoa học là Aedes aegypti, được thu từ địa phương và giao phối với muỗi mang vi khuẩn Wolbachia qua nhiều thế hệ.
Từ khi bắt đầu triển khai, cán bộ thực địa của dự án đã dùng thiết bị chuyên dụng Ovitrap để thu thập trứng muỗi ở địa phương. Sau khi chuyển về nhà nuôi, trứng muỗi được tiến hành ấp nở và định loại để thu được muỗi vằn đực. Muỗi vằn đực của địa phương được cho giao phối với muỗi vằn cái mang Wolbachia để đẻ ra các thế hệ muỗi vằn tiếp theo mang vi khuẩn này.
Điều này thực hiện được là do vi khuẩn Wolbachia sống trong tế bào côn trùng. Vi khuẩn này sẽ được truyền sang thế hệ sau thông qua trứng muỗi.
Wolbachia rất phổ biến, có mặt ở khoảng 60% loài côn trùng, kể cả những loại quen thuộc như chuồn chuồn, ruồi giấm, bướm và một số loài muỗi khác. Tuy nhiên, vi khuẩn này lại không có trong muỗi vằn. Chủng muỗi vằn mang Wolbachia thu được sau nhiều lần lai tạo được kiểm tra các đặc điểm sinh học để đảm bảo tương đồng với chủng muỗi vằn địa phương.
Nhân viên của dự án thực hiện công việc định loại lăng quăng và muỗi. |
Nhà nuôi muỗi có hai phòng quan trọng nhất là phòng nuôi lăng quăng và phòng nuôi muỗi trưởng thành.
Phòng nuôi quăng lăng thực hiện các bước cho trứng nở, đếm lăng quăng mới nở để phân phối vào các khay nuôi theo đúng số lượng định trước. Sau đó, nhộng đực và cái được tách theo tỷ lệ 1:3 để nuôi tiếp tại phòng nuôi muỗi trưởng thành.
Khay nuôi lăng quăng của dự án. |
Phòng nuôi muỗi trưởng thành có chức năng chủ yếu là cho muỗi hút máu để đẻ trứng phục vụ việc thả ngoài thực địa. Đây cũng là nơi duy trì các chủng muỗi. Phòng được kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí một cách tự động, tạo môi trường sống phù hợp cho muỗi, lăng quăng phát triển.
Quy trình nuôi muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. |
Quy trình tự nhiên, an toàn và hiệu quả
Quy trình nuôi muỗi mang Wolbachia được tiến hành nghiêm ngặt theo quy tắc an toàn sinh học cấp 2. Điều này nhằm đảm bảo tạo ra những cá thể muỗi mang Wolbachia an toàn, khỏe mạnh, góp phần phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác do muỗi truyền.
Muỗi được nuôi bằng nguồn máu an toàn, đã trải qua các xét nghiệm để đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là sốt xuất huyết, Zika và chikungunya.
Nhân viên thu thập mẫu muỗi để xét nghiệm lượng vi khuẩn Wolbachia. |
ThS.BS Dương Lệ Quyên, đại diện chương trình Muỗi thế giới, cho biết: “Nhà nuôi muỗi của dự án áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt để tạo ra trứng muỗi vằn mang Wolbachia an toàn và phù hợp thả ra môi trường. Công đoạn quan trọng này giúp tạo ra muỗi mang Wolbachia trong điều kiện tự nhiên”.
Theo ThS.BS Dương Lệ Quyên, dự án giúp tỷ lệ muỗi mang Wolbachia với khả năng bảo vệ người dân khỏi sốt xuất huyết Dengue tăng dần lên ở nơi thả. Wolbachia duy trì lâu dài trong quần thể muỗi sẽ góp phần bảo vệ cộng đồng khỏi sốt xuất huyết một cách an toàn và bền vững.
Chỉ cần thả một lượng muỗi này vừa đủ ra ngoài môi trường trong thời gian ngắn, Wolbachia sẽ lan dần trong quần thể muỗi từ thế hệ này sang thế hệ sau. Đây là một phương pháp phòng bệnh bền vững, có tiềm năng giúp giảm thiểu gánh nặng dịch bệnh sốt xuất huyết.
Theo Zing News