Đây là hoạt động triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quý I-2020, lần đầu tiên sau nhiều năm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 35.000 đơn vị, cao hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, chủ động chuyển đổi số, gia tăng các hoạt động kinh doanh trên mạng để nâng cao giá trị gia tăng, tiết kiệm chi phí tài chính và thời gian, thực hiện số hóa cũng như đón đầu cơ hội kinh doanh sau khi kết thúc dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện không phải tất cả doanh nghiệp đều tiếp cận được đầy đủ thông tin, chính sách hỗ trợ và quy trình/thủ tục hành chính để tận dụng những chính sách này; đặc biệt là khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Nhiều đại biểu cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần chủ động theo dõi, nắm bắt các diễn biến, thông tin liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp. Cơ quan chức năng, ngân hàng cũng cần chủ động vào cuộc, sẵn sàng cung cấp các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm khắc phục thiệt hại, sớm hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Một số ý kiến nhấn mạnh việc triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng với các nội dung liên quan, gồm gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, giảm lãi vay 2%, cho vay lãi suất 0% qua Ngân hàng Chính sách xã hội... dành cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến kinh tế Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiệt hại rất lớn. Vì vậy, cần tăng cường rà soát, bảo đảm hỗ trợ đúng địa chỉ, đối tượng thụ hưởng theo mục tiêu đề ra, thậm chí có thể tính đến việc hình thành gói hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, dịch bệnh là động lực giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và đây là yêu cầu bắt buộc. Việt Nam đang dần thích ứng với các hoạt động online. Bây giờ là lúc doanh nghiệp tập trung tái cơ cấu, từ hình thức sản xuất, giao tiếp với khách hàng, tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng để thích ứng với thời kỳ dịch bệnh, giúp nâng cao năng suất lao động, hướng tới sự bứt phá sau dịch.
Các doanh nghiệp phần mềm, công nghệ thông tin, đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số, quản lý số, giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cần triển khai ứng dụng nền tảng số vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt…