Việc định nghĩa và xác định vị trí việc làm có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý công Cách xác định, lương mới vị trí việc làm của công chức, viên chức sắp tới
Vị trí việc làm của công chức, viên chức
Theo khoản 3 điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây cũng là căn cứ để tuyển dụng, nâng ngạch và điều động công chức.
Trong khi đó, vị trí việc làm với viên chức là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng. (theo khoản 1, điều 7 Luật Viên chức năm 2010 ).
Vị trí việc làm với viên chức là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng
Đây cũng là căn cứ để xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2, điều 2 Nghị định 41/2012 về vị trí việc làm của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập và khoản 3, điều 3 Nghị định 36/2013 về vị trí việc làm của công chức có phân vị trí việc làm thành: Vị trí việc làm do một người đảm nhận; Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận; Vị trí việc làm kiêm nhiệm.
Qua đó có thể hiểu, vị trí việc làm của công chức, viên chức là công việc gắn với chức danh của một người và phải căn cứ vào nó để tuyển dụng và quản lý công chức, viên chức.
Cách xác định
Căn cứ quy định nêu trên, có thể xác định vị trí việc làm của công chức và viên chức theo các tiêu chí sau: Nguyên tắc: Đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn; Mỗi vị trí gắn với một chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp nhất định…; Căn cứ xác định: Tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc; Mức độ phức tạp, quy mô công việc; Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin…; Phương pháp: Tổng hợp…
Như vậy, căn cứ vào nhiều yếu tố để xác định vị trí việc làm của công chức, viên chức nhưng nhìn chung việc xác định vị trí việc làm giữa công chức và viên chức đều giống nhau.
Sẽ có lương mới theo chức danh, chức vụ
Hiện nay, lương của công chức, viên chức trả theo hệ số lương và mức lương cơ sở và được tính theo công thức: Lương = hệ số x lương cơ sở. Trong đó, hệ số của từng ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức được quy định cụ thể tại phụ lục ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Lương cơ sở là một con số cố định, tăng dần theo từng năm, là căn cứ để tính lương trong bảng lương, phụ cấp và một số chế độ khác của công chức, viên chức.
Hiện nay, lương của công chức, viên chức trả theo hệ số lương và mức lương cơ sở và được tính theo công thức: Lương = hệ số x lương cơ sở
Có thể thấy, cách trả lương hiện nay còn mang nặng tính bình quân, có tính chất "cào bằng", chưa làm nổi bật được năng lực của từng công chức, viên chức cũng như chưa thể hiện được sự phân cấp trong các ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức khác nhau.
Đồng thời, trong Nghị quyết 27-NQ/TW, Bộ Chính trị cũng khẳng định việc xác định lương như hiện nay không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.
Do đó, việc cải cách tiền lương là yêu cầu khách quan và là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện. Về vấn đề này, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 27 là: Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay hệ thống bảng lương hiện hành, bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng
Cụ thể công chức, viên chức sẽ có 2 bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo từ năm 2021 trở đi: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Thông qua đó, cần phải đảm bảo các nguyên tắc xếp lương như sau: Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị: Giữ chức vụ lãnh đạo nào thì được hưởng lương theo chức vụ đó, nếu giữ nhiều chức vụ thì chỉ được hưởng mức lương chức vụ cao nhất…; Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề…
Theo Người lao động