Theo ông Ivan Phạm, để phát triển bền vững, cần có quản trị doanh nghiệp bền vững. Doanh nghiệp không thể phát triển bền vững, nếu không biết doanh nghiệp đối mặt với rủi ro nào.
“Bối cảnh chung về quản trị rủi ro ở Việt Nam đã làm hay chưa? Câu trả lời sẽ là đa số doanh nghiệp đã và đang làm quản trị rủi ro nhưng ở góc đó theo kinh nghiệm và lãnh đạo, tự phát. Tuy nhiên chưa có cơ chế, phương pháp luận cụ thể để đánh giá, xử lý, giám sát tất cả những rủi ro. Những doanh nghiệp trưởng thành đã có biện pháp quản trị rủi ro tốt nhưng đa số doanh nghiệp thì chưa có”, ông Ivan Phạm nói.
Ông Ivan Phạm, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Dịch vụ Quản trị Rủi ro - Deloitte Việt Nam. |
Ông Ivan Phạm phân tích, những doanh nghiệp tư nhân tương đối trưởng thành có quản trị khủng hoảng - crisis management. Quản trị khủng hoảng là một cấu phần của quản trị chung trong quản trị doanh nghiệp. Sau khi quản trị khủng hoảng xong, bước tiếp theo là xác định kế hoạch hoạt động liên tục như thế nào?
Để phát triển bền vững, ông Ivan Phạm cho rằng doanh nghiệp cần có: Quản trị rủi ro doanh nghiệp (ERM), Quản trị khủng hoảng (CM), Kế hoạch hoạt động liên tục (BCP), Kế hoạch khôi phục sự cố (Disaster Recovery planning).
Trong khi đó, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Deloitte Private - Deloitte Việt Nam dẫn chứng con số từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 8 tháng đầu năm 2021.
Cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 8 có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 43,4 nghìn lao động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam còn hạn chế về quản trị khủng hoảng. (Ảnh minh họa) |
“Từ bức tranh đó, số lượng doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường khá là cao nhưng số lượng doanh nghiệp mới thành lập vẫn tăng so với cùng kỳ, và số vốn bình quân cũng tăng thêm. Qua đó cho thấy rằng bức tranh có hai màu: màu tối - khó khăn của doanh nghiệp, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động kinh doanh, nhưng đồng thời doanh nghiệp mở cửa, nhiều doanh nhân vẫn nhìn thấy cơ hội phát triển trong gian đoạn khó khăn hiện nay, nhìn thấy cơ hội trong nguy khó”, ông Minh nói.
Trong quá trình làm việc với doanh nghiệp tư nhân, ông Minh nhận thấy mặc dù gặp rất nhiều khó khăn những mỗi doanh nghiệp cũng đang tự tìm cho mình những lối đi riêng để có thể ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó dần dần phục hồi và phát triển. Đó là những doanh nghiệp còn tồn tại. Hầu hết các doanh nghiệp còn tồn tại đều chấp nhận thực tại và đang có nhiều thay đổi tích cực.
Ông Minh chia sẻ, nguy hay cơ là do cách mỗi lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần chấp nhận thực tại và không ngừng hy vọng về tương lai. Không ngừng tìm kiếm các đối tác và liên minh mới đồng thời xem xét, đánh giá các cơ hội mới để củng cố chuỗi cung ứng và phát triển thị trường. Tập trung vào nâng cao sức khỏe, của bản thân từng lãnh đạo và người lao động, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài ra, có thể dành thời gian nghiên cứu các báo cáo và tham gia các chương trình của Deloitte Private dành cho các doanh nghiệp.
Theo Tài chính Doanh nghiệp