Liên quan đến đại án Vũ "nhôm" và 2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng được đưa ra xét xử, nhiều vấn đề dư luận và người dân quan tâm là: Những người đã mua đất tại các dự án BĐS liên quan Vũ "nhôm" (đặc biệt là Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, Dự án Phú Gia Compound) có mất trắng nếu tòa tuyên thu hồi những khu đất sai phạm trên.
Người mua nhà đất ở dự án của Vũ Nhôm có được đảm bảo? |
Trao đổi với báo chí, Luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho biết, theo quy định, các dự án liên quan đến quyền sử dụng đất (QSDĐ) mà bị thu hồi do vi phạm pháp luật đất đai thì thực hiện theo các quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2013.
Cụ thể, nếu thuộc vào các trường hợp đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền, đất không được chuyển nhượng, tặng... theo quy định pháp luật, nếu có cơ sở theo quy định thì bị thu hồi đất, chấm dứt dự án đầu tư. Do đó, trong trường hợp bị thu hồi, người dân dễ rơi vào tình trạng mất mát, thiệt hại nặng nề về tài sản.
"Xét tính chất vụ việc của các dự án liên quan Vũ "nhôm", dù người dân đã bỏ tiền ra rất nhiều để ký các giao dịch mua bán nhà, nhưng nếu tòa án có bản án buộc thu hồi lại đất, thì dù đã vào ở trong các căn hộ của dự án, người mua cũng buộc phải chấp hành các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, chấp hành quyết định về thi hành án. Nếu người dân không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành án", Luật sư Lê Cao thông tin.
Đối với các dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước và Dự án Phú Gia Compound, Luật sư Lê Cao cho biết thêm, DN trước đây được giao đất không còn được xem là chủ sở hữu tài sản hợp pháp để thực hiện các giao dịch chuyển nhượng sản phẩm BĐS, mà họ đầu tư cho những người dân đã chuyển tiền đặt cọc, giữ chỗ, tiền huy động mua nhà đất cho họ.
Mặt khác, các dự án BĐS với sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, việc chuyển nhượng chưa được phép nhưng DN thường lách luật để chuyển nhượng bằng cách đặt cọc, ký hợp đồng... để huy động vốn. Giao dịch này chưa được thực hiện chính thức, chưa đăng ký quyền sở hữu, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, QSDĐ.
"Do đó, khi dự án và QSDĐ bị thu hồi, doanh nghiệp đã nhận tiền không thể tiếp tục thực hiện cam kết chuyển nhượng nhà đất cho người mua, các hợp đồng, giao dịch không thể thực hiện được", Luật sư Lê Cao cho hay.
Theo Luật sư, người dân muốn bảo vệ quyền lợi của mình chỉ có thể yêu cầu doanh nghiệp trả lại tiền. Tuy nhiên, việc đòi lại tiền là rất khó vì doanh nghiệp đã chi cho việc đầu tư dự án, chi cho các chi phí liên quan, hoặc doanh nghiệp không tự nguyện hoàn trả. Do vậy, người dân chỉ có con đường yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, với sự trợ giúp của 2 bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, Vũ "nhôm" đã thâu tóm hàng loạt dự án, nhà đất công sản với giá rẻ bèo, thu lợi bất chính hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng 7 dự án BĐS đã trục lợi ngân sách 19.625 tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước gây thiệt hại ngân sách hơn 11.200 tỷ đồng; Dự án khu đô thị Habour Ville đã giúp Vũ "nhôm" trục lợi, gây thiệt hại ngân sách hơn 2.800 tỷ đồng; Dự án Phú Gia Compound có diện tích hơn 2ha tại phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) được lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng thời kỳ đó giao cho em vợ của Vũ "nhôm" không qua đấu giá, gây thiệt hại ngân sách 760 tỷ đồng. Sau khi được cấp quyền sử dụng đất, khu đất này rơi vào tay Vũ "nhôm".
Khu dân cư An Cư 2 mở rộng và An Cư 3 mở rộng cũng được giao đất không qua đấu giá, gây thiệt hại cho ngân sách 2.873 tỷ đồng; Dự án Vệt du lịch biển trên đường Hoàng Sa được giao cho Vũ và gây thiệt hại 435 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch biển Non Nước cũng được giao cho Vũ không qua đấu giá, gây thiệt hại ngân sách hơn 1.300 tỷ đồng.
Khu đất đường Ngô Quyền (ngay đầu cầu sông Hàn) được giao cho Công ty I.V.C của Vũ "nhôm" trái quy định pháp luật gây thiệt hại ngân sách 150 tỷ đồng. Khu đất rộng 3.264m2 này hiện đã được xây dựng thành trường mẫu giáo ABC.