Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Hàng loạt doanh nghiệp bị xử phạt vì vi phạm khai thác khoáng sản ở Lâm Đồng

TDVN 18:26 09/07/2021

Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng liên tiếp phát hiện và xử phạt hành chính với hàng loạt doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, đất đai theo quy định.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định số 1714/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Phát có địa chỉ tại số 06B Nguyễn Đình Quân, Phường 5, TP.Đà Lạt số tiền 800 triệu đồng.

Theo biên bản vi phạm hành chính do Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng lập ngày 25/6/2021, Công ty này đã thực hiện hành vi khai thác khoáng sản là đá nguyên khối vượt công suất cho phép trong 2 năm. Năm 2018, Công ty này khai thác vượt 100% mức quy định. Năm 2019, Công ty khai thác vượt 48% mức quy định, trong khi công suất được cấp phép là 30.000 m3 đá nguyên khối/năm.

Cùng ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng Quyết định 1715/QĐ-XPVPHC xử phạt đối với Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng có trụ sở tại số 87, đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8 (TP.Đà Lạt) với số tiền 520 triệu đồng.

Mỏ đá Tam Lộc, nơi Công ty Lũng Lô và Công ty Sông Lô khai thác. (Ảnh: Báo CAND)

Doanh nghiệp này đã thực hiện việc khai thác vượt công suất cho phép đối với khối lượng sét gạch ngói (gồm: đất sét và đất làm gạch). Cụ thể: năm 2018 (45.132,8 m3) vượt 61%; năm 2019 (40.477,7 m3) vượt 45%; năm 2020 (46.308,5 m3) vượt 65% so với công suất cho phép là 28.000 m /năm.

Công ty này đã sử dụng diện tích 2,2 ha đất nông nghiệp (diện tích này nằm trong ranh giới cấp phép khai thác, thuộc tờ bản đồ số 51, xã Gia Hiệp và tờ bản đồ số 12, xã Tam Bố, huyện Di Linh nhưng không làm thủ tục thuê đất.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành 6 quyết định xử phạt hành chính đối với các công ty khai thác khoáng sản với số tiền gần 5,5 tỉ đồng.

Đáng chú ý trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nguyên có trụ sở tại số 86, Nguyễn Đình Chiểu, phường 9, TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) do ông Lê Hữu Chiến làm Giám đốc, bị phạt tới 750 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty này còn bị buộc phải nộp lại số tiền số tiền bất hợp pháp do hành vi khai thác ngoài ranh cấp phép của 2 giấy phép với số tiền hơn 2,9 tỉ đồng. Doanh nghiệp này bị xử phạt bốn hành vi trong hai giấy phép gồm khai thác vượt ra ngoài ranh giới được cấp phép; không lắp trạm cân, camera giám sát nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ và các kho chứa; không lập đầy đủ số sách, chứng từ, tài liệu có liên quan đến việc xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm; đổ thải không đúng vị trí đã xác định trong vị trí đã thiết kế...

Kế đến là Công ty Cổ phần Minh Định (trụ sở Phường 8, TP.Đà Lạt) bị xử phạt 270 triệu đồng vì khai thác vượt ra ngoài ranh giới được cấp phép; không lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ và các kho chứa… Công ty này còn bị buộc nộp lại 594 triệu đồng tiền thu lợi bất hợp pháp khi khai thác ngoài ranh cấp phép.

Cũng với hành vi khai thác ngoài ranh cấp phép và một số vi phạm khác, công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Hà Hưng (trụ sở phường 11, quận Gò vấp, TP.HCM) bị phạt 272 triệu đồng, nộp lại 45 triệu đồng tiền thu lợi bất hợp pháp.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản Đức Phú bị xử phạt 170 triệu đồng về hành vi lập bản đồ hiện trạng sai, không lập các sổ sách chứng từ liên quan.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hà Thanh bị xử phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do khai thác ngoài ranh số tiền gần 225 triệu đồng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm Phần bị xử phạt số tiền 220 triệu đồng về hành vi khai thác ngoài ranh được cấp phép và lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng sai tọa độ so với giấy phép được cấp...

Các doanh nghiệp nói trên còn bị buộc phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa diện tích khai thác ngoài ranh nêu trên về trạng thái an toàn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

Trong tháng 6, tỉnh Lâm Đồng cũng đã siết chặt, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng trốn thuế, thất thu thuế trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều biện pháp để tránh tình trạng trốn thuế, thất thu thuế.

Một trong những biện pháp kiên quyết là xử lý nghiêm theo quy định trường hợp không lắp đặt camera giám sát, không có đầy đủ hồ sơ chứng từ, hóa đơn; các hành vi gian lận, khai báo sản lượng khai thác không đúng thực tế; khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kinh doanh vật liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo hóa đơn chứng từ…

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, đối với các hoạt động khai thác khoáng sản vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác theo độ sâu và phạm vi diện tích nhất định, thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 6 Điều 37 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản.

Theo đó, phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ; hộ kinh doanh) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 1 ha đến dưới 1,5 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 3 m đến dưới 5 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên, cụ thể như sau:

  1. a) Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  2. b) Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
  3. c) Từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với khoáng sản theo giấy phép do Bộ TN&MT cấp là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại.

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

TS Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam cho rằng, các văn bản xử lý vi hành chính trong các luật chuyên ngành cũng đã có ở mức phạt khá cao nhưng không đủ tính răn đe. Không khó để phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng có thể có sự đi đêm với nhau giữa cơ quan quản lý và các đối tượng hoạt động trái phép, cho nên việc quản lý khoáng sản cần tập trung vào một đầu mối.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần đánh giá trực diện, các hành vi khai thác trái phép khoáng sản gây tổn hại về kinh tế. Đồng thời, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Các hành vi khai thác trái phép đều vi luật (vi phạm pháp luật - PV) và không hề tuân thủ các quy định, chưa đáp ứng các điều kiện về môi trường tự nhiên và xã hội. Sự lộng hành của các đơn vị này làm người dân hoang mang, mất lòng tin, đồng thời có khả năng hình thành các tụ điểm nguy hiểm, sa đà vào các tệ nạn xã hội nhờ nguồn lợi lớn từ hoạt động khai thác trái phép.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/hang-loat-doanh-nghiep-bi-xu-phat-vi-vi-pham-khai-thac-khoang-san-o-lam-dong-57130.html

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt doanh nghiệp bị xử phạt vì vi phạm khai thác khoáng sản ở Lâm Đồng tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật