Sáng ngày 01/07/2021, ông Phan Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) chủ trì buổi làm việc với Phạm Văn Huyên (chủ căn biệt thự xây dựng không phép tại số 233 Lý Thường Kiệt, phường Lộc Phát).
Tại buổi làm việc, ông Huyên cam kết tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm để tận dụng các vật dụng tháo dỡ, giảm bớt thiệt hại cho gia đình, đề nghị được giữ lại tầng trệt (tầng 1) không phá dỡ. Việc tự nguyện tháo dỡ các công trình, hạng mục công trình vi phạm sẽ được ông Huyên hoàn tất trước ngày 20/7.
Sau khi nghe trình bày của chủ căn biệt thự, ông Phan Văn Cương đồng ý để ông Huyên tự thực hiện tháo dỡ toàn bộ các công trình, hạng mục. Thời hạn tự thực hiện tháo dỡ là 20 ngày (kể từ ngày 1/7).
Mọi chi phí thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm do ông Huyên hoàn toàn chịu trách nhiệm chi trả.
Nếu quá thời hạn cho phép ông Huyên không hoàn thành việc tháo dỡ toàn bộ các công trình, hạng mục như đã cam kết thì UBND TP.Bảo Lộc sẽ tiến hành cưỡng chế phá dỡ theo quy định và ông Phạm Văn Huyên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Căn biệt thự không phép của ông Huyên tiếp tục được gia hạn tháo dỡ. |
Trước đó, hồi tháng 3/2021, trả lời báo chí về căn biệt thự không phép này, ông Phó Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc khẳng định: "Việc này phải xử lý liền, xử lý ngay và dứt điểm tránh tiền lệ xấu...".
Được biết, căn biệt thự không phép của ông Huyên nằm ngay tại Hồ Nam Phương 1 - khu vực quy hoạch kêu gọi thu hút đầu tư dự án khu đô thị dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng của TP.Bảo Lộc (Tổ dân phố 15, phường Lộc Phát).
Kết quả kiểm tra cho thấy, công trình không phép của ông Huyên gồm căn nhà 3 tầng (tầng hầm, tầng trệt và tầng 2), với tổng diện tích hơn 633 m2; Các công trình khác như mái che có diện tích 66,5 m2, hồ chứa nước 97 m2 và hồ cảnh quan 92 m2.
Đến ngày 15/4, UBND TP.Bảo Lộc mới ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Phạm Văn Huyên.
Thời hạn cho phép ông Huyên tự tháo dỡ là 15 ngày (kể từ ngày ông Huyên nhận quyết định - ngày 16/4/2021). Sau thời hạn trên, ông Huyên không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.
Tuy nhiên, đến ngày 29/4, công trình vẫn chưa được ông Phạm Văn Huyên tiến hành tháo dỡ. Do đó, UBND TP.Bảo Lộc tổ chức buổi làm việc với các đơn vị để xem xét, thống nhất các nội dung chuẩn bị cho công tác thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Liên quan đến biệt thự “khủng” này, Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu Bí thư Thành ủy Bảo Lộc chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xác minh, làm rõ trách nhiệm, xử lý triệt để và không để tình trạng trên diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Đáng chú ý, dù chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng có từ ngày 13/3 nhưng tiến trình xử lý ngôi biệt thự không phép này bị kéo dài.
UBND TP. Bảo Lộc cho rằng, trong quá trình củng cố hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng của chủ đầu tư là ông Phạm Văn Huyên, UBND TP.Bảo Lộc đã có nhiều văn bản đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Bảo Lộc phối hợp với UBND phường Lộc Phát thực hiện việc đo vẽ hiện trạng công trình xây dựng vi phạm của ông Phạm Văn Huyên.
Tuy nhiên, quá trình phối hợp với UBND phường Lộc Phát và các cơ quan có liên quan của Thành phố thì Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Bảo Lộc đã thực hiện không tốt, chậm phối hợp; chưa chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.
Căn biệt thự "khủng" của ông Huyên được xây dựng trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý. |
Vì vậy, sau hơn 5 tháng kể từ ngày có văn bản đề nghị phối hợp đo vẽ hiện trạng công trình, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố mới có bản vẽ trích đo thửa đất.
Liên quan đến vấn đề này, năm 2019, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định: Những vi phạm của thanh tra chuyên ngành được xử lý nghiêm và với các công trình sai phép, không phép không có chuyện “phạt cho tồn tại” nữa.
Trong khi đó, nhận định về chất lượng của những công trình không phép, kỹ sư Nguyễn Quang Hoài - chuyên gia về giám định chất lượng công trình xây dựng - cho rằng, những căn nhà không phép thường xây rất vội nên không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật cơ bản, rất dễ xảy ra sự cố, sụp đổ.
Ông Hoài cho hay: “Hầu hết nhà xây kiểu này đều bỏ qua các quy định về kỹ thuật như không khảo sát địa chất, không đóng cừ tràm hay ép cọc phần móng, chất lượng bê tông cốt thép cũng không đảm bảo.
Nhà xây lên trên nền móng như thế, càng xây kiên cố, càng mất an toàn, rất dễ sập. Khi xây thành cụm, nếu một căn bị sự cố, sẽ dễ tác động dây chuyền làm ảnh hưởng đến những căn khác. Với những căn nhà xây lén kiểu này, nếu mua về ở, sẽ tốn rất nhiều tiền sửa chữa mà vẫn không thể đảm bảo an toàn”.
Theo Kinh Tế Môi Trường