Tại phiên họp, trình bày tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới như số lượng công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng (HNCC) đều tăng đáng kể; chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao; quy mô, hoạt động của các tổ chức HNCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Chất lượng đội ngũ CCV chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề; Việc phát triển tổ chức HNCC tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển; Một số quy định về trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả CCV, tổ chức HNCC và người dân, doanh nghiệp; Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng chưa tương xứng với sự phát triển của các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan.
“Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết” - ông Long cho hay.
Thẩm tra dự án Luật, ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về cơ bản, các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về nội dung cụ thể của hồ sơ, đề nghị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số tài liệu như: rà soát các nội dung của dự thảo Luật để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách đầy đủ, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nội dung của dự thảo Luật; bổ sung một số thông tin, số liệu chứng minh làm cơ sở cho việc đề xuất các chính sách mới. Bên cạnh đó, bổ sung các dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo hồ sơ dự án Luật; nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn quy định tại Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm cần làm rõ để tránh trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện có sự thiếu thống nhất. Bên cạnh đó, Điều 9 về đào tạo nghề công chứng thì Luật quy định thời gian đào tạo, tập sự hành nghề công chứng đang có thể quá dài. “Có người rất am hiểu pháp luật nhưng quy định tập sự 12 tháng mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề CCV. Do đó cần quy định để phù hợp với thực tiễn, giảm chi phí xã hội. Nếu thấy đạt yêu cầu kiểm tra thì được cấp chứng chỉ hành nghề” - ông Thanh cho hay.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công chứng là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Đồng thời cũng là một loại hình dịch vụ sự nghiệp công mang tính chất thiết yếu, cơ bản. Về nguyên tắc, Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, trong đó Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối. Trước đây, những loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đều có quy hoạch, tuy nhiên theo Luật Quy hoạch 2017, ngoại trừ điện thì các loại sản phẩm dịch vụ, hàng hóa khác đều đã bị bỏ quy hoạch. Do đó, không còn quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng.
“Chính phủ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chung thì vai trò là gì, phải có chiến lược, định hướng phát triển của ngành nghề này trong từng giai đoạn” - Chủ tịch Quốc hội nói đồng thời nêu rõ, những trường hợp sản phẩm dịch vụ, hàng hóa đã bỏ quy hoạch thì Bộ giúp Chính phủ quản lý chuyên ngành phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để các địa phương có căn cứ triển khai.
Đặc biệt trong dự thảo Luật có đề cập tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhưng không nói rõ là cơ quan nào ban hành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trách nhiệm thuộc về Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này thì đầu tiên phải là tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập tổ chức hành nghề công chứng. “Bỏ quy hoạch không có nghĩa là không có quản lý mà quản lý bằng phương pháp khác, không chỉ quản lý bằng quy hoạch như trước đây” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đối với vai trò của tổ chức nghề nghiệp, dự thảo Luật đã có quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp của CCV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên nghiên cứu để có quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và khả năng tham gia của tổ chức này đến đâu trong việc quản lý CCV theo hướng dần dần Nhà nước nên có quá trình chuyển giao cho hội nghề nghiệp.
Về bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn điều về tiết lộ nội dung thông tin. Theo đó, điểm a khoản 1 Điều 7 có nêu hành vi bị nghiêm cấm: “tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc này không phù hợp với Bộ luật Dân sự, bởi thông tin trên văn bản công chứng không chỉ liên quan đến người yêu cầu công chứng mà còn liên quan đến nhiều đối tượng khác, có thể hai bên hoặc nhiều bên.
“Về nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự, mọi bí mật về riêng tư là không được xâm phạm. Nếu chỉ cần người yêu cầu công chứng cho phép đồng ý bằng văn bản thì có thể tiết lộ thông tin. Như vậy quyền riêng tư của người khác thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị soát xét lại.
Theo Đại Đoàn Kết