Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Chương trình 712: Gỡ ‘nút thắt’ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Lê Thanh Tùng 20:51 30/10/2020

Chương trình có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Trong đó sự chuyển biến từ tư duy đến hành động của DNNVV cả nước là rất lớn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng số hóa và chuyển đổi số mang đến cơ hội nâng cao năng suất trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Để nắm lấy cơ hội này, không chỉ các doanh nghiệp (DN) lớn, mà DNNVV cũng cần tận dụng chuyển đổi số như một cơ hội để tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712). Trải qua 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam.

Nhằm đánh giá hiệu quả của Chương trình, đồng thời gợi mở những định hướng hoạt động hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng trong giai đoạn tiếp theo. Phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME).

TS. Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME)

Thưa ông, ông có nhận định như thế nào về tác động của Chương trình NSCL đối với DNNVV trong thời gian vừa qua?

Trong 10 năm theo dõi bước đi của Chương trình 712, tôi đánh giá Chương trình này có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội, điển hình như mức năng suất lao động của Việt Nam đã tăng, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Trong đó có sự chuyển biến từ tư duy đến hành động của DNNVV cả nước là rất lớn.

Sau khi chương trình 712 chính thức đi vào cuộc sống, các chủ DN bắt đầu quan tâm và kiểm soát nhiều hơn về số lượng sản phẩm ra đời trên mỗi giây, thay vì kiểm soát số lượng sản phẩm ra đời vào cuối ngày. Nhờ đó mà họ cũng bắt đầu chi tiết hóa từng công đoạn sản xuất để tìm ra những điểm “thắt nút” gây ảnh hướng tới sản lượng đầu ra của DN. Mặt khác, do yếu tố cạnh tranh của sản phẩm quốc nội cũng như các mặt hàng xuất khẩu ngày càng tăng, nên DN đã biết cách áp dụng các công cụ kỹ thuật để kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất, đến khi sản phẩm được chuyển đến tay khách hàng.

Chương trình 712 đã giúp các DNNVV nâng cao được trình độ quản trị, hiệu quả hoạt động (bao gồm cả việc kiểm soát chi phí, lãng phí) và quan trọng nhất là tối ưu hóa được lợi nhuận của DN.

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh có nhiều thay đổi và biến động thì vấn đề năng suất đóng vai trò như thế nào trong nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN?

Chúng ta đang đối mặt với thách thức rất lớn từ đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng không chỉ tới nền kinh tế trong nước mà còn gây đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm, có tới 70.000 DN phải tạm ngưng hoạt động hoặc đóng cửa, ảnh hưởng tới khoảng 31 triệu người lao động. Trong bối cảnh như hiện nay, yếu tố cạnh tranh lại càng trở nên khốc liệt, gần như tỷ lệ đối chọi trên thị trường đã tăng lên hàng chục lần so với giai đoạn trước dịch. Do vậy, DN vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để đảm bảo duy trì vận hành tối thiểu cho tới khi có cơ hội phục hồi.

Để làm được điều đó thì việc thúc đẩy năng suất, chất lượng là vô cùng quan trọng. Thực tế là các DN Việt Nam cũng rất năng động và chủ động trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh để ứng phó với dịch bệnh; chẳng hạn như nhiều DN đã áp dụng phương thức làm việc từ xa để giảm thiểu chi phí không cần thiết, hoặc có nhiều DN đã ứng dụng mô hình kinh doanh online để phục vụ tốt hơn cho khách hàng…

Chương trình 712 giúp các DNNVV nâng cao được trình độ quản trị, hiệu quả hoạt động.

Với tư cách đại diện cho các DNNVV-khối DN chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế, Hiệp hội có đề xuất gì với sự hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ trong thời gian tới?

Thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa và hội nhập kinh tế quốc tế:

Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết và chính sách thúc đẩy kinh tế nội địa và thực tế chúng ta đang triển khai tương đối hiệu quả. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho “kinh tế ban đêm”; đồng thời giao nhiều hơn nữa các dự án đầu tư công cho DNNVV, nhất là trong bối cảnh Covid-19.

Ngoài ra, Việt Nam hiện đã có 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cả song phương lẫn đa phương, và gần đây nhất là hai Hiệp định thương mại tự do toàn diện và rộng mở CPTPP và EVFTA. Cả hai hiệp định này đều có tiềm năng rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, vì thế để hội nhập kinh tế quốc tế thành công, chúng tôi kiến nghị Chính phủ giao cho một số hiệp hội có đủ lực, đủ sức (có kinh phí hỗ trợ) để triển khai tuyên truyền, giám sát và phản biện đối với việc thực thi các hiệp định của các Bộ, ngành và địa phương để báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo:

Những gì chúng ta đang làm với Khoa học - Công nghệ vẫn là chạy theo xu thế, thiếu sự đổi mới sáng tạo và tư duy dẫn đầu. Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, nhất là Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Thông tin & Truyền thông cần có lộ trình phát triển khoa học công nghệ Quốc gia theo hướng lấy DN làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng DN khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh; thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp, nông nghiệp và DN để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Lê Thanh Tùng/VietQ

Link gốc : http://vietq.vn/chuong-trinh-712-go-nut-that-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-d180118.html

Bạn đang đọc bài viết Chương trình 712: Gỡ ‘nút thắt’ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân