Hà Nội, Thứ Ba Ngày 23/04/2024

Doanh nghiệp đề xuất triển khai dự án BT giữa những nhùng nhằng pháp lý

Theo Hoàng Anh-DTVN/SHTT 09:40 20/02/2020

Vinhomes đề xuất làm 2 dự án BT để đổi khu đô thị 294 ha ở Hưng Yên

Vinhomes, thành viên của Tập đoàn Vingroup, vừa đăng ký lập đề xuất đầu tư 2 dự án xây dựng hạ tầng giao thông tại Hưng Yên theo hình thức hợp tác xây dựng chuyển giao (BT). Dự án đối ứng thanh toán là Khu đô thị Đại An, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Dự án BT đầu tiên là đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ đường ĐT.379 đến giao QL.5. Dự án có tổng chiều dài gần 6.215 m với điểm đầu thuộc thị trấn Văn Giang, điểm cuối thuộc xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm. Mặt cắt đường là 60 m.

Dự án BT thứ 2 là đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.382B hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn từ giáp ranh giới Hà Nội đến giao QL.39. Điểm đầu tuyến thuộc xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, kết thúc tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ. Chiều dài tuyến đường 14,5 km với quy mô 6 làn xe.

Trước đây, dự án do CTCP Đầu tư Xây dựng Đại An lập quy hoạch. Khu đô thị Đại An có tổng diện tích gần 294 ha, dân số khoảng 42.000 người, thực hiện tại xã Tân Quang, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.

Trước đó, khu đô thị sinh thái Dream City do Vinhomes làm chủ đầu tư, đã được phê duyệt đồ án lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Dự án có diện tích khoảng 458 ha, tại các xã Long Hưng, Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.

Dream City là dự án đối ứng của các dự án BT như dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp thể thao Hưng Yên; đường trục Bắc - Nam tỉnh Hưng Yên; cải tạo nâng cấp đường 207B; đầu tư xây dựng chỉnh trang hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới 2 xã Long Hưng, Nghĩa Trụ và khu trung tâm văn hóa thể thao huyện Văn Giang.

Trong khi đó, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành kế hoạch kiểm toán năm 2020. Trong năm 2020 sẽ tập trung kiểm toán 158 cuộc, trong đó có 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 40 tỉnh, thành; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 dự án đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước...

Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, KTNN sẽ thực hiện 40 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ thiêm Thành phố Hồ Chí Minh; Đầu tư xây dựng đường vành đai II, III thành phố Hà Nội; Các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A; Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Các dự án thủy lợi (Hồ chứa nước Đồng Mít; Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; hồ chứa nước Sông Lũy, Bắc sông Chu - Nam sông Mã; Đập ngăn mặn sông Hiếu; Hồ chứa nước Mỹ Lâm; Hồ chứa nước sông Chò I); Dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh; Đường dây 500kV Long Phú - Ô Môn; Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Dự án đường sắt đô thị Hà Nội...

nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, một số quy định chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa sát với thực tế vận hành dự án BT và chưa đảm bảo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm. Vấn đề khó nhất được nêu ra là làm sao xác định đúng giá trị tài sản công theo giá thị trường để thanh toán dự án BT, không làm thất thoát tài sản nhà nước.

Đối với trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, dự thảo Nghị định đưa ra phương thức xác định giá trị quỹ đất thanh toán dự án BT cho nhà đầu tư, tương tự như phương thức xác định giá khởi điểm đấu giá được quy định tại Điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP ghi rõ giá khởi điểm của quyền sử dụng đất thuộc trụ sở làm việc được xác định phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất phổ biến trên thị trường theo mục đích sử dụng mới của khu đất tại thời điểm có quyết định bán của cơ quan.

Giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê, không thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tương ứng với mục đích sử dụng mới nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh quy định.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội HoREA cho rằng, sẽ có khó khăn hơn đối với những trường hợp sử dụng quỹ đất khi chưa giải phóng mặt bằng. Theo quy định của pháp luật, khu đất đã có quy hoạch tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2000 thì đã có cơ sở để xác định giá khởi điểm đấu giá hoặc nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư, có thể đề xuất giá chào thầu trong trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.Trong thực tiễn đấu giá thì giá khởi điểm đấu giá quỹ đất thường thấp hơn giá trúng đấu giá. Đơn cử đối với trường hợp đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, giá khởi điểm đấu giá là 550 tỷ đồng, có 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia, sau 16 vòng đấu, giá trúng đấu giá là 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm đấu giá ban đầu đưa ra. Chính vì vậy, các chuyên gia e ngại nếu nội dung này của Dự thảo Nghị định được thông qua, có thể dẫn đến kết quả xác định giá trị quỹ đất thanh toán không đảm bảo được nguyên tắc ngang giá, theo giá thị trường tại cùng thời điểm.

“Quy định nhà đầu tư trúng thầu dự án BT thực hiện ứng vốn giải phóng mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT là cần thiết và phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư. Nhưng, quy định số tiền nhà đầu tư chi cho giải phóng mặt bằng được tính vào giá trị của hợp đồng BT là không đúng. Bởi lẽ, giá trị công trình cơ sở hạ tầng của hợp đồng BT không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT. Vì vậy, phải quy định số tiền này được khấu trừ vào giá trị quỹ đất thanh toán và thanh toán dự án BT thì mới đúng” - ông Châu nhấn mạnh.

Sự đình trệ của hàng loạt dự án BT diễn ra khi Bộ Tài chính ban hành văn bản yêu cầu bộ, ngành, địa phương dừng việc sử dụng tài sản công - đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư BT kể từ thời điểm 1-1-2018 tới khi nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT chính thức ban hành.

Yêu cầu dừng thực hiện các dự án BT của Bộ Tài chính thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ tháng 1-2018. Yêu cầu này đã khiến hàng loạt dự án BT do bộ, ngành, địa phương triển khai trong hơn 1 năm qua đình trệ, không thể triển khai vì thiếu quy định.

Tại Hà Nội, có 22 dự án BT được đề xuất đầu tư từ cuối năm 2017 phải dừng triển khai. Ở TPHCM cũng có hàng loạt dự án BT tạm dừng triển khai để chờ hướng dẫn.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp đề xuất triển khai dự án BT giữa những nhùng nhằng pháp lý tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân