Năm 2019, chi phí tài chính của Kinh Bắc là 221 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay là 198,6 tỷ đồng.
Nợ trong ngưỡng an toàn?
Mới đây, Kinh Bắc đã hoàn tất việc phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 18 tháng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có đảm bảo và không kèm chứng quyền, lãi suất trái phiếu cố định 10,8%/năm, trả lãi 6 tháng/kỳ. Tổ chức quản lý tài sản đảm bảo là Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí.
Tài sản đảm bảo cho số trái phiếu phát hành lần này là 420.000 cổ phần phổ thông của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng thuộc sở hữu của Kinh Bắc và 20 triệu cổ phần phổ thông của chính Kinh Bắc thuộc sở hữu của bên thứ ba. Theo danh sách cổ đông của Kinh Bắc, cổ đông có đủ 20 triệu cổ phiếu chỉ có thể là một trong trong 2 cổ đông. Đó là cá nhân ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (nắm giữ là 75,25 triệu cổ phiếu) và Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Phát triển Kinh Bắc (nắm giữ gần 44,66 triệu cổ phiếu).
Về giá trị của 20 triệu cổ phần dùng để làm tài sản đảm bảo, với mức giá hơn 13.000 đồng/cổ phiếu KBC hiện tại, số cổ phần này tương đương khoảng 260 tỷ đồng. Đương nhiên, đó là trong trường hợp Kinh Bắc vẫn hoạt động bình thường, không có rủi ro gì liên quan đến khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp.
Về cơ cấu nợ, tỷ lệ nợ hiện tại của Kinh Bắc vẫn ở mức thấp, với tổng giá trị nợ phải trả chỉ 6.090,3 tỷ đồng, giảm 979 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ hiện chỉ ở mức dưới 60% so với giá trị vốn chủ sở hữu là 10,436,5 tỷ đồng (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 72% tại thời điểm 1/1/2019).
Áp lực chi phí tài chính
Tuy tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu vẫn ở mức khá an toàn, còn dư địa cho doanh nghiệp tiếp tục gia tăng vốn vay phục vụ sản xuất - kinh doanh, nhưng nếu tiếp tục gia tăng tiền vay, thì áp lực chi phí tài chính sẽ không nhẹ với Kinh Bắc.
Năm 2019, chi phí tài chính của Kinh Bắc là 221 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay là 198,6 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí đáng kể nhất trong các khoản chi phí cơ bản phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp này. Theo đó, chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ ở mức 171,6 tỷ đồng, chi phí bán hàng là 140,9 tỷ đồng.
Việc gia tăng một khoản vay 200 tỷ đồng tuy không lớn so với tổng quy mô nợ phải trả hơn 6.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng của doanh nghiệp, song xét về chi phí, với lãi suất 10,8%/năm, khoản vay này khiến doanh nghiệp phải gánh thêm 21,6 tỷ đồng chi phí lãi vay, tương đương 12,6% tổng chi phí quản lý doanh nghiệp trong cả năm của Công ty, bằng 15,3% chi phí bán hàng.
Trong bài toán kinh tế, khi một khoản chi phí tăng lên, thì doanh nghiệp phải đẩy doanh thu tăng theo để bù đắp chi phí, hoặc tiết giảm các khoản chi phí khác để đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận.
Nhìn vào tình hình kinh doanh của Kinh Bắc năm 2019, Công ty đạt được tốc độ gia tăng doanh thu khá nhanh. Cụ thể, Công ty đạt 3.249,7 tỷ đồng, tăng tới 34,5% so với năm 2018. Với sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, Kinh Bắc đạt được lợi nhuận gộp khá cao, với 1.869,4 tỷ đồng, tăng 27,3%. Đây là nền tảng chính giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các khoản chi phí, nhưng vẫn gia tăng được lợi nhuận trong năm 2019.
Tuy nhiên, việc Kinh Bắc có thể tiếp tục đẩy doanh thu lên cao nữa trong năm 2020 hay không còn phụ thuộc nhiều vào thị trường. Ngoài ra, tính hiệu quả khi mở rộng quy mô chỉ đạt được khi doanh nghiệp chưa khai thác hết công suất các nguồn lực (nhà máy, nhân sự, hệ thống quản lý…), bởi khi quy mô mở rộng đạt ngưỡng tối đa công suất, mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng, thì hiệu quả sẽ giảm, do phải gia tăng chi phí đầu tư (mở rộng hệ thống, tuyển thêm nhân sự…).
Năm 2019, giá trị tuyệt đối của doanh thu và lợi nhuận gộp của Kinh Bắc tuy có tăng cao, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm còn 57,5%, thấp hơn so với mức 59% của năm 2018.
Theo Vietnamfinance