Gần đây, trên thị trường bất động sản xuất hiện các dự án như: Happy One Premier, Happy One Thạnh Lộc, Căn hộ trung tâm Tân Sơn Nhất... Điều đáng nói các dự án này là các tên gọi khác của dự án chung cư cao tầng tại phường Thạnh Lộc, quận 12, Tp.HCM.
Dự án này do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Xuân (Vạn Xuân Group) làm chủ đầu tư và hai công ty giữ vai trò đơn vị phân phối là Công ty cổ phần Bất động sản Viva Homes (Công ty Viva Homes), Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Danh Khôi (DKRS).
Dự án chung cư cao tầng tại phường Thạnh Lộc, quận 12 có tổng diện tích 3.061,1m2, gồm 1 block cao 19 tầng (gồm 210 căn hộ), 6 căn penthouse và 3 căn shophose.
Trong vai trò là khách hàng, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với nhân viên công ty Viva Homes, hiện tại bên em đang cho booking giá 50 triệu/căn, dự án mới triển khai lần đầu nên đầu tư rất tốt.
Khi chúng tôi hỏi về pháp lí và tiến độ của dự án thì nhân viên này cho biết, hiện tại dự án đã có 1/500, qua ngày mở bán thì số tiền booking sẽ được chuyển thành tiền cọc rồi thanh toán 15%.
Tháng 10/2020 theo ghi nhận thực tế, dự án đang trong giai đoạn ép cọc thử tải, bên trong một số máy móc và công nhân đang thi công. Điều đặc biệt, khi pháp lý dự án còn chưa ro ràng: chưa hoàn thành phần móng, chưa có biên bản nghiệm thu nhưng ngày 4/9 vừa qua tại Bình Dương chủ đầu tư đã tổ chức lễ ra quân dự án với hơn chục sàn tham gia, việc giới thiệu và chào bán “lúa non” như vậy là trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Theo luật sư Lâm Hiền Phước (Đoàn Luật sư Tp.HCM) - Giám đốc Công ty Luật Phước Tín cho biết, theo quy định tại Điều 55 Luật kinh doanh Bất động sản năm 2014 thì bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh khi: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Ngoài ra, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Trao đổi về vấn đề dự án chưa đầy đủ pháp lý mà đã đưa vào kinh doanh, luật sư Phước cho rằng, việc doanh nghiệp bất động sản chưa đủ điều kiện mở bán mà quảng cáo và cho khách đăt cọc bằng hình thức giữ chỗ thiện chí là huy động vốn trái pháp luật bởi chưa có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc nhà ở đã đủ điều kiện được bán. Do việc đặt cọc mua BĐS thiện chí có hoàn trả lại tiền là trái luật nên cũng tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng đặt mua.
“Trường hợp chủ đầu tư đưa vào kinh doanh bất động sản mà không đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh theo quy định trên thì có thể bị xử phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồngtheo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 57 Nghị định 139/2017/NĐ-CP”, luật sư Phước cho biết thêm.
Để tránh nhận “trái đắng” thì khách hàng cần tìm hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật về hình thức huy động vốn, điều kiện mở bán dự án bất động sản. Khi phát hiện có hành vi vi phạm khách hàng được quyền yêu cầu chủ đầu tư chấp dứt ngay hành vi vi phạm, yêu cầu bồi thường (nếu có). Trong trường hợp cần thiết khách hàng có thể yêu cầu cơ quan chức năng xem xét xử lý.