Vừa qua, Sở KHĐT Hà Nội đã ra thông báo dừng triển khai thực hiện dự án PPP hợp đồng BT theo quy định của Luật Đầu tư, phương thức đối tác công tư (có hiệu lực từ 1/1/2021) đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT, dừng triển khai mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Đầu năm 2021, ban cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội đã báo cáo ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc triển khai thực hiện các dự án PPP và chuyển đổi một số dự án trên địa bàn thành phố sang hình thức đầu tư công.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch - đầu tư rà soát, thông báo cho nhà đầu tư dừng công tác chuẩn bị đầu tư, rà soát từng trường hợp cụ thể, chuyển sang hình thức đầu tư công với những dự án cần thiết, cấp bách.
Theo đó, tại Hà Nội, có 82 dự án phải dừng triển khai, danh mục các dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư chiếm số lượng nhiều nhất, tới 69 dự án.
Trong số này có nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Công trình kiến trúc Hà Nội (Hateco), Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành phố Cityland, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T; Công ty Cổ phần Bitexco; Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO...
11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư của các nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần phát triển đô thị Việt Hưng, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Việt…
Hàng loạt "đại gia" BĐS bị dừng các dự án BT. Ảnh minh hoạ |
Đây là cái kết đã được dự đoán từ trước, thế nhưng tác động có nó ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch, diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian tới. Bởi lẽ, vai trò của các dự án BT là vô cùng quan trọng, cùng với đằng sau các dự án là các ông lớn trong lĩnh vực BĐS đều bị “hớ” thì sẽ có bước ngoặt như thế nào?
Trao đổi Doanh Nhân Việt Nam, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, đại đa số các dự án BT trong danh sách trên đều có các vi phạm, đều không triển khai, quá hạn. Bởi lẽ các dự án trên phải thực hiện từ lâu rồi, nhưng có các vi phạm nên phải dừng lại các dự án. Tuy nhiên, nếu dồn cục tất cả các dự án dừng lại đó thì sẽ là vấn đề về cách thức điều hành nữa.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho biết, nguyên nhân dừng cục bộ các dự án BT trên địa bàn TP Hà Nội xuất phát từ phía doanh nghiệp không triển khai các dự án BT này. Về chủ trương thì cách đây khoảng hơn 10 năm có quyết định dừng, không làm tiếp các dự án BT nữa. Nhưng không động tới các dự án cũ đã phê duyệt và triển khai.
Trên thực tế một loạt các dự án đều không triển khai được vì rất nhiều lý do khác nhau. Vậy nên thực chất, lần này Sở KHĐT tạm dừng các dự án BT đều do chủ yếu các dự án không triển khai được thôi. Chứ thực chất đó không phải sự thay đổi về chính sách. Thế nhưng tất cả các dự án này sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản ở nhiều góc độ.
Thứ nhất, hầu hết các dự án lớn ở VN thị trường bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ với cơ sở hạ tầng. Khi các dự án chậm triển khai rồi dừng triển khai thì tất yếu sẽ ảnh hưởng tới triển vọng thị trường BĐS. Góc độ thứ hai, việc đổi đất lấy hạ tầng của các dự án BT này thì hầu hết việc đổi đất đều mục đích phát triển BĐS, nên sẽ tác động tới nguồn cung của BĐS trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định nguyên nhân các dự án BT bị dừng triển khai |
“Bản thân người liên quan tới phần đất mà chủ dự án này được hưởng và tại đó sẽ triển khai dự án BĐS. Người ta lập dự án liên quan tới vấn đề quy hoạch, thì các dự án sẽ bị biến động theo quy hoạch rồi. Các chủ đầu tư bằng cách này cách khác mặc dù pháp luật không cho phép, nhưng họ cũng sẽ lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp khác nữa nên khi các dự án ngừng triển khai thì tương lai dự án sẽ bất định dẫn đến ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của những người có liên quan” - chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Việc thu hồi dự án dựa trên các quy định pháp lý rồi nên không thể thay đổi về chính sách, mà là gây ra rủi ro chính sách nên sẽ không có cơ sở bồi thường cho doanh nghiệp. Nguyên nhân xuất phát dừng đồng loạt dự án do các chủ đầu tư không thực hiện cam kết nên bị thu hồi dự án nên sẽ không được bồi thường các chi phí ở đây.
Các quỹ đất dự kiến sẽ đối ứng cho doanh nghiệp theo hình thức BT thì nên tìm cách đưa vào sử dụng để tránh tình trạng hoang hóa quỹ đất đó. Để trống nhiều sẽ không mang lại lợi ích.
Đồng thời, khi triển khai những người liên quan về nguyên tắc là quỹ đất đó chủ đầu tư không được lôi kéo những người liên quan nhưng thực tế chủ đầu tư có kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp khác. Nếu phát hiện ra có việc lôi kéo nhà đầu tư khác thì phải có xem xét tới quyền và lợi ích của người liên quan đến quỹ đất đó chuyển sang cho chủ đầu tư khác, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng của quỹ đất đó, kể cả thay đổi quy hoạch sao cho hiệu quả.
Cũng theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, khá nhiều dự án BT bị dừng vì chủ đầu tư sử dụng quỹ đất đó, thu tiền quỹ đất đó để quay sang đầu tư dự án khác, điều này thực tế rất là phổ biến. Chủ đầu tư không triển khai dự án BT nữa, nếu chủ đầu tư đã khai thác khu đất đó thì họ phải hoàn trả lại phần lợi ích mà họ thu được từ quỹ đất mà họ sử dụng trong khi họ không sử dụng phần tiền thu được để triển khai dự án theo đúng cam kết hợp đồng.
Theo Doanh nhân Việt Nam