Ngày 28/11/2008 Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận số 2623/KL-TTCP chỉ ra hàng loạt những sai phạm trong việc đầu tư DA Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và Đô thị Bình Dương (Khu liên hợp Bình Dương). Thế nhưng, hơn 11 năm trôi qua, những sai phạm tại Kết luận Thanh tra đã không được xử lý và để xảy ra không ít những hệ lụy lớn.
Sai phạm khủng tại Khu đô thị Tân Phú
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tỉnh Bình Dương thành lập Khu liên hợp Bình Dương, với tổng diện tích theo đề án được duyệt là 4.196,8 ha. Theo đồ án quy hoạch chung, Khu liên hợp Bình Dương được phân thành năm phân khu chức năng gồm 1.573,4 ha đất khu công nghiệp (KCN tập trung; 613 khu dịch vụ; 1.650 đất khu đô thị (KĐT), trong đó 655 ha đất tái định cư; 132,5 ha là đất dùng xây dựng các công trình giao thông và 227,9 ha đất hạ tầng kỹ thuật khác. Dự án KCN Phú Tân là 1 trong 5 dự án khu công nghiệp Khu liên hợp Bình Dương.
Thực tế, ngay quá trình giao đất, cho thuê đất trong Khu liên hợp Bình Dương đã có nhiều dấu hiệu sai phạm. Theo Kết luận thanh tra số 2623/KL-TTCP ngày 26/11/2008, việc giao đất và cho thuê đất đối với sáu nhà đầu tư KCN với tổng diện tích là 1.541,53 ha thì các quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất được ký từ năm 2006 và 2007, nhưng thực chất đã được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý về mặt chủ trương thông qua việc phê duyệt vào các hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” ký kết giữa Ban quản lý (BQL) Khu liên hợp và các nhà đầu tư từ năm 2004 với đơn giá 700 triệu đồng/ha, chưa bao gồm tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp.
Việc giao đất cho các nhà đầu tư KCN chỉ dựa vào những căn cứ của đề án dự kiến quy hoạch Khu liên hợp và đơn xin giao đất của các nhà đầu tư chứ không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, không có bảng kê khai tự nhận xét về chấp hành luật đai của đơn vị giao đất và các trình tự thủ tục khác là trái với Nghị định 181/2004/NĐ-CP.
Trong đó, đến năm 2004, KCN Phú Gia (hiện giờ được đổi tên thành KCN Phú Tân) là một trong hai nhà đầu tư được giao đất và đền bù 100% diện tích đất đầu tiên của Khu liên hợp Bình Dương. DA có tổng diện tích hơn 133 ha, nhưng cho đến thời điểm này, cũng chỉ có 2 nhà đầu tư vào thuê đất với tổng diện tích khoảng gần 17 ha, số còn lại vẫn đang để hoang hóa.
Tuy không thu hút đầu tư nhà máy KCN với hơn 116,5 ha bị bỏ hoang, nhưng KCN Phú Tân lại rất sôi động ở khâu chuyển nhượng DA. Đến tháng 2/2018, Kim Oanh Group cũng đã thu mua thành công Công ty Nam Kim, với thời hạn sử dụng đất đến năm 2056 (đất thuê 50 năm). Người đứng tên đại diện pháp luật Công ty Nam Kim là bà Nguyễn Thị Nhung (con gái của bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Kim Oanh Group). Trước khi về tay Kim Oanh Group, ít nhất DA KCN Phú Tân đã chuyển nhượng qua ba chủ đầu tư khác.
Trước những lùm xùm trên, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định thành lập Đoàn Thanh tra về việc góp vốn và chuyển nhượng vốn góp của TCT Bình Dương tại Công ty Tân Phú đối với khu đất 43ha.
Qua thanh tra, đã chỉ ra nhiều sai phạm: Chậm tiến độ góp vốn và không bảo đảm, đúng như cam kết thỏa thuận liên doanh, gián đoạn khoảng thời gian gần bốn năm; Không triển khai dự án khu đất 43ha hay dự án Khu Đô thị thương mại – Dịch vụ Tân Phú theo các cam kết và quy định của pháp luật về đất đai; Dùng số vốn góp được để trả tiền bồi thường, đền bù đất đai cho TCT Bình Dương là trái với cam kết thỏa thuận liên doanh, trái với chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương tại công văn 1830-CV/TU ngày 17/8/2010 của Tỉnh ủy Bình Dương. Công ty Tân Phú (thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh, TP.HCM) tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai huy động vốn của các tổ chức kinh tế và cá nhân khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý của một dự án theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư và xây dựng là không đúng theo quy định pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Kim Oanh Group huy động vốn trái phép?
Vụ việc sai phạm tại Khu công nghiệp Tân Phú vẫn chưa được xử lý triệt để. Liên quan các sai phạm tại trong việc chuyển nhượng khu đất 43ha thuộc Khu Đô thị - Thương mại – Dịch vụ Tân Phú. Sau khi có kết quả thanh tra, do vi phạm tại dự án này thuộc dạng nghiêm trọng, vượt thẩm quyền của Đoàn Thanh tra nên UBND tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh.
Chiều ngày 19/2/2020, trong buổi họp báo đầu năm, đại diện Công an tỉnh Bình Dương xác nhận, đơn vị đã tiến hành khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khu đất rộng 43ha trên đường Phạm Ngọc Thạnh. Phía Công an Bình Dương cho biết, đơn vị sẽ điều tra làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án này.
Tuy đang vướng vào một vụ án hình sự, nhưng ngay khi vừa “thâu tóm” xong khu đất vàng từ tay TCT Bình Dương với giá rẻ (581.000 đồng/m2), lập tức Công ty Tân Phú cho khởi công dự án và tổ chức huy động vốn của hàng trăm cá nhân, đơn vị thông qua “hợp đồng vay tiền” thông qua Công ty Nam Kim là Công ty con của Công ty Kim Oanh.
Tuy nhiên, “hợp đồng vay tiền” nói trên không hề có tài sản đảm bảo mà mục đích chính là thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án. Ngoài ra, thời gian ký nhiều “hợp đồng vay tiền” còn được thực hiện sau khi vụ việc này đã được chuyển cơ quan điều tra đã cho thấy sự thiếu trách nhiệm của Công ty Kim Oanh, khi Công ty này đã cố tình huy động vốn khi về mặt pháp lý dự án đang gặp rất nhiều vấn đề.
Không những thế, khi vừa khởi công xây dựng dự án Khu Đô thị – Thương mại – Dịch vụ Tân Phú, chủ đầu tư đã bị Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương kiểm tra, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 12/2/2018, vì tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định.
Theo tài liệu, chỉ tính từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 Công ty Nam Kim đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền khoảng hơn 405 tỷ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt). Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng…
Trong đó, có những giao dịch có tổng giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 37 tỷ đồng và tháng 01.2019 đã chuyển cho Công ty Tân Phú hơn 33,3 tỷ đồng. Điều kiện hợp đồng được ghi rất rõ “Bên B là chủ đầu tư dự án KĐT Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh. Bên B đồng ý dành cho bên A quyền chọn mua sản phẩm với các chính sách ưu đãi của bên B tại thời điểm công bố chính thức “quyền chọn” khi dự án đáp ứng các điều kiện pháp lý theo quy định của pháp luật”. Đã có 7 ô đất được giao dịch với các mã sản phẩm là nhà liền kề ở vị trí Lô LK 22a, đường DO và N5 – DO với tổng diện tích lên đến 856 m2. Với giao dịch này có thể thấy được 7 ô đất này được bán với giá hơn 43,2 triệu đồng/m2.
Không chỉ dừng ở đó, ngày 8/10/2019, Công ty Nam Kim do bà Nguyễn Thị Nhung làm Tổng Giám đốc đã ký Hợp đồng thế chấp số 0058/2019/BĐ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh bằng KCN Phú Tân để bảo lãnh cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi do ông Nguyễn Thuận làm Tổng giám đốc vay hơn 1.085,8 tỷ đồng, với thời hạn 5 năm (từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2024). Ông Nguyễn Thuận là chồng của bà Đặng Thị Kim Oanh và là bố của bà Nguyễn Thị Nhung.
Theo Taichinhdoanhnghiep