Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại TP. Hà Nội giai đoạn 2003 - 2016. Theo đó, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp sau khi chuyển đổi thành chung cư cao tầng, văn phòng và trung tâm thương mại đã làm thất thu nguồn ngân sách lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Công trình công cộng thành cao ốc
Cứ mỗi giờ cao điểm sáng hoặc chiều, dọc các tuyến đường Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội), Tam Trinh (Hoàng Mai) bị kẹt cứng. Nguyên nhân là do các toà nhà cao tầng mọc lên như nấm khiến mật độ phương tiện giao thông di chuyển gia tăng một cách đột biến trong vài năm trở lại đây.
Việc các con đường này đang hàng ngày “cõng” lưu lượng phương tiện gia tăng là có một phần không nhỏ là do mấy năm vừa qua, hàng loạt khu "đất vàng" khi di dời các nhà máy, xí nghiệp đã biến thành các cao ốc chung cư, văn phòng và trung tâm thương mại.
Đơn cử như dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân. Khu đất này trước đây là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Năm 2011, Công ty TNHH MTV Thống Nhất liên doanh với Công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án gồm 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng, 552 căn hộ.
Tại số 90 Nguyễn Tuân, một dự án gồm 87 nhà thấp tầng và 2 tòa nhà cao 29 tầng nổi cũng đang được xây dựng. Khu đất 3,7 ha này trước đây do một xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng.
Cũng nằm ngay trên trục đường Nguyễn Tuân, khu đất 2,2ha sau khi thu hồi từ CTCP dệt Mùa Đông đã được giao lại cho CTCP bất động sản Mùa Đông - VID, để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng gồm 4 tòa cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng đất công nghiệp sau di dời để xây cao ốc cũng đã xảy ra ở các quận khác như dự án Thăng Long Garden tại số 250 Minh Khai (Hoàng Mai). Dự án bao gồm 2 tòa chung cư và 1 tòa văn phòng cho thuê được xây dựng trên 13.500 m2 đất sau di dời của CTCP May Thăng Long.
Ngoài những dự án trên, hồi năm 2018, Thanh tra Chính phủ cũng đã ra kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại TP. Hà Nội giai đoạn 2003 - 2016. Có 69 dự án với tổng diện tích 180ha đất đã được chuyển đổi sang làm chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại... khiến thất thu ngân sách lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Trong đó phải kể đến dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ tại 44 Yên Phụ do CTCP Tháp Nước Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án Trung tâm thương mại, nhà ở thấp tầng và cao tầng Hano-Vid tại 430 Cầu Am do CTCP Bất động sản Hano-Vid làm chủ đầu tư; dự án như Tòa nhà Star Tower của CTCP Thăng Long Talimex và CTCP Đầu tư thiết bị và xây dựng Việt Nam; dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại tại lô đất 2.6-NO đường Lê Văn Lương do CTCP Xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án Khu nhà ở và công trình công cộng tại 409 đường Nguyễn Tam Trinh
-- |
Cần xử lý triệt để vi phạm
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng tất cả các khu đất trong danh sách di dời đã có quy hoạch. Phần lớn các khu đất nhà máy đó đều để phục vụ các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe… Về nguyên tắc thì chủ khu đất nào sau khi di dời cũng mong muốn được biến thành khu đất có giá trị tốt, nhưng mong muốn này phải hợp lý và dưới sự quản lý của các nhà quy hoạch.
Bên cạnh đó, nếu khu đất sau di dời có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông, điện, nước… thì cũng không nên cấm xây dựng cao ốc. Tuy nhiên, cần có sự xem xét về mật độ dân khu vực đó có đảm bảo hay không, nếu đảm bảo thì có thể xem xét.
Trên thực tế, việc không tuân thủ chủ trương của Chính phủ về di dời các nhà máy, cơ sở ô nhiễm ra nội đô để lại quỹ "đất vàng" cho các công trình công cộng mà xây dựng các cao ốc trên cùng một khu vực gây hệ lụy nặng nề lên hạ tầng và môi trường, đồng thời gây thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.
Việc chuyển đổi sai mục đích, trước đó Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND TP Hà Nội cần lập tức khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất. Đồng thời rà soát, kiểm tra các dự án có chủ đầu tư vi phạm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, khắc phục theo quy định của pháp luật, xử lý triệt để các vi phạm.
Theo một số chuyên gia kiến trúc, ở các nước tiên tiến, nếu chủ đầu tư, địa phương làm sai quy hoạch của Chính phủ, thì chính quyền có quyền phá dỡ phần sai phạm hoặc phá dỡ hoàn toàn công trình để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, sự việc ở Việt Nam đều là sự đã rồi. Nhìn lại vụ Công viên nước Thanh Hà, chính quyền đã quyết liệt phá dỡ hoàn toàn công trình để xảy ra xây dựng trái phép. Một ví dụ điển hình khác là toà nhà số 8B Lê Trực, nếu chính quyền cương quyết cũng sẽ phá dỡ xong phần sai phạm do chủ đầu tư gây ra.
Theo Tài chính