Ngày 23/4, Tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức buổi họp, để bàn các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên - Tổ trưởng Tổ công tác giao Sở Tài chính (Cơ quan thường trực Tổ công tác) tiếp thu ý kiến của các Thành viên Tổ công tác, hoàn chỉnh Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.
Trong đó, lưu ý trong Báo cáo cần nêu rõ từng nhóm vấn đề, những thuận lợi, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đất công, tài sản công và việc xử lý đất nhà ở xã hội.
Ngoài ra, yêu cầu Tổ công tác xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể; xác định tiến độ, thời gian thực hiện đối với từng nhóm dự án để đôn đốc tiến độ thực hiện. Riêng đối với khu dân cư đã được phê duyệt giá khởi điểm, yêu cầu Chủ đầu tư khẩn trương tiến hành các thủ tục đấu giá đất để thu ngân sách theo quy định.
Theo báo cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 109 dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị, Khu dân cư (ngoại trừ các dự án tại Khu kinh tế Dung Quất) do các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong và ngoài tỉnh thực hiện tại TP Quảng Ngãi và 8 huyện; Toàn tỉnh có tổng diện tích đất sử dụng hơn 1.593 ha, với tổng số lô đất nền hơn 45.200 và tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 23.600 tỷ đồng.
Nhìn chung các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh triển khai còn chậm so với quyết định chủ trương đầu tư. Đến nay, đã có 21 dự án (tổng diện tích 156 ha, tổng số lô đất 4.444 lô) đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và 640 lô đã được nhà đầu tư xây dựng nhà ở rồi chuyển nhượng cho hộ gia đình, cá nhân.
Ngoài ra, có 33 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ bản hoàn thành hạ tầng đạt hơn 348/594 ha, với tổng số lô hoàn thành cơ sở hạ tầng 7.638 lô. Còn lại 55 dự án đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục về xây dựng, đất đai để triển khai thực hiện.
Trong đó có 17 dự án đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; 38 dự án đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đang lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng,…
Hiện tại khó khăn, vướng mắc lớn nhất dẫn đến các dự án bất động sản triển khai chậm vẫn là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng; việc sử dụng tài sản đất công như giao thông, thủy lợi, thương mại,..; việc thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất,…gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, cũng như công tác thu ngân sách của tỉnh (đến nay chỉ thu đạt 166 /2.000 tỷ đồng).
Theo Pháp Luật Plus