Lô đất vàng hơn 6.000m2 tại số 1152-1154 đường Láng được UBND TP Hà Nội giao cho Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội quản lý. Sau nhiều thay đổi, dường như lô đất này đã thuộc quyền sở hữu của Trung Thủy Group.
Lô đất 1152- 1154 đường Láng trước đây là trụ sở của Công ty Giống cây trồng (nay là Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) và Công ty Giống gia súc Hà Nội. Hiện nay, dự án đã được gắn lô gô, thương hiệu Tập đoàn Trung Thủy. |
Lô đất 1152- 1154 đường Láng trước đây là trụ sở của Công ty Giống cây trồng (nay là Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) và Công ty Giống gia súc Hà Nội.
Năm 2006, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) đã ký biên bản thỏa thuận với các bên liên quan làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 6.046,4 m2 đất này và chuyển mục đích sử dụng để xây dựng tổ hợp văn phòng cao tầng.
Phối cảnh dự án Lancaster Luminaire của Tập đoàn Trung Thủy. |
Theo thỏa thuận ban đầu giữa Handico 6 và Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, dự án là tổ hợp dịch vụ và văn phòng cho thuê.
Tuy nhiên, đến khi có Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000283 do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình ký ngày 7/4/2009, dự án đã có thêm chức năng nhà ở cho thuê.
Đến khi có Giấy phép xây dựng số 51/GPXD do Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ ký ngày 25/4/2011, dự án đã trở thành tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê, với quy mô 25 tầng cao, 3 tầng hầm, 2 tầng kỹ thuật và tầng thượng, áp mái.
Tập đoàn Trung Thuỷ (Trung Thuỷ Group) đang được điều hành bởi ông Nguyễn Trung Tín (chồng của hoa hậu Thu Thảo). |
Trước đó, năm 2005, Handico 6 đã liên doanh với một số tổ chức, cá nhân để thành lập Công ty cổ phần Tân Phú Long với mục đích thực hiện dự án trên.
Công ty cổ phần Tân Phú Long ban đầu có vốn điều lệ 23 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập ban đầu chỉ góp 56% vốn điều lệ, cụ thể: Handico 6 góp 30%; Công ty cổ phần Hoàng Cầu góp 1%; Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Vân Nam góp 5%; Công ty TNHH thương mại Việt Mỹ góp 3% và Trương Hữu Thắng góp 17%.
Đến tháng 11/2011, Công ty cổ phần Tân Phú Long tăng vốn điều lệ lên 33 tỷ đồng. 4 cổ đông sáng lập ban đầu đều thoái sạch vốn chỉ còn lại Handico 6 vẫn nắm 30% vốn điều lệ. Lúc này, có sự xuất hiện của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) với tỷ lệ sở hữu 69% và Công ty Bất động sản An Cư chiếm 1%.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 19/11/2013, các cổ đông chính của Tân Phú Long đã thống nhất thay đổi thiết kế dự án, với nhiệm vụ là “chuyển đổi lại thiết kế của dự án từ 1 tòa văn phòng, 1 tòa chung cư thành 2 tòa chung cư; thay đổi từ 3 tầng hầm thành 4 tầng hầm; hạn chế tối đa các diện tích phụ, diện tích thừa”. Đồng thời, “tuyển chọn lại đơn vị thiết kế có năng lực, uy tín, có quan hệ tốt với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như Sở Quy hoạch - Kiến trúc” để triển khai dự án. Lúc này, dự án có tên thương mại là Twin Tower.
Thế nhưng, nhiều năm sau đó dự án Twin Tower vẫn không có dấu hiệu triển khai. Năm 2017, dự án này từng bị một số khách hàng tố việc chủ đầu tư huy động tiền nhưng không thực hiện.
Tại Đại hội cổ đông 2018 của MIC, Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội đã quyết định thoái vốn khỏi dự án này. Và theo nguồn tin mới nhất thì MIC đã hoàn thành việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Tân Phú Long.
Trong những ngày đầu năm 2019, trên lô đất 1152-1154 đường Láng, máy móc bắt đầu thi công, tại đây xuất hiện một tấm bảng dự án. Theo thông tin trên tấm bảng, cái tên Twin Tower không còn tồn tại. Thay vào đó là cái tên Lancaster, đây là thương hiệu các dự án của Tập đoàn Trung Thủy. Rất có thể, Trung Thủy Group đã mua lại cổ phần của MIC tại Tân Phú Long?
Chi tiết các thương vụ chuyển nhượng không được tiết lộ. Song, nếu Trung Thủy Group thâu tóm dự án 1152-1154 đường Láng dưới hình thức mua cổ phần của Công ty cổ phần Tân Phú Long, thì hơn 6.000m2 đất vàng nhà nước đã lọt tay tư nhân.
Với truyền thống và kinh nghiệm chuyên thâu tóm "đất công" không có gì lạ khi khu đất "vàng" số 1152-1154 đường Láng về tay Tập đoàn Trung Thủy.
Tập đoàn Trung Thủy được biết đến với thương hiệu “thâu tóm đất công” trong vụ án liên quan đến Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) dưới thời ông Lê Tấn Hùng. Theo đó, Trung Thủy đã thâu tóm được nhiều đất vàng từ mối quan hệ hợp tác này.
Một trong những thương vụ đáng chú ý mà Kiểm toán nhà nước chỉ ra sai phạm tại Văn bản số 386/TB-KTNN ngày 15/8/2018, đó là việc thành lập pháp nhân mới công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri để thực hiện Dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, với tổng diện tích đất 650ha và tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng.
Công ty này có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó Trung Thuỷ góp 104,96 tỷ đồng tương đương 64% vốn điều lệ, Sagri góp 59 tỷ đồng tương ứng 36%. Theo thoả thuận, Trung Thuỷ cho Sagri vay toàn bộ số tiền góp vốn mà không tính lãi trong 3 năm kể từ ngày thành lập công ty.
Ngày 30/12/2016, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho Trung Thuỷ Sagri.
Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra TP.HCM thì việc Công ty TNHH MTV Bò Sữa TP.HCM (thành viên của Sagri) bàn giao đất và tài sản trên đất cho Trung Thủy Sagri 140 ha khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm quy định pháp luật hiện hành (vi phạm Điều 175, Luật Đất đai năm 2013).
Ngoài ra, bằng việc hợp tác với Sagri, Trung Thuỷ cũng đã thâu tóm thành công nhiều lô đất vàng tại TP.HCM. Đơn cử như Dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh được hợp tác vào năm 2016. Thời gian hợp tác là 20 năm.
Vào tháng 7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can Lê Tấn Hùng, 56 tuổi, nguyên tổng giám đốc Sagri về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Sức khỏe Cộng đồng