Chiều ngày 9/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo thông tin về việc tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.
Với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, Hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trong Vùng, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến khoảng 900 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì họp báo về Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW. (Ảnh: Đức Trung) |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, đây là Hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn bao gồm các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng đồng bằng sông Hồng và công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040.
Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Vùng đồng bằng sông Hồng: Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững” và gian hàng trưng bày sản vật đặc trưng, sản phẩm công nghiệp và tư liệu xúc tiến đầu tư của các địa phương trong Vùng cũng sẽ được tổ chức cùng thời điểm diễn ra Hội nghị, nhằm lan tỏa tình yêu đất nước, con người, mối liên kết và sự phát triển của các địa phương thông qua các hình ảnh đại diện cho vẻ đẹp của vùng đất, con người và sự thay đổi bứt phá của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng, mở ra “cơ hội mới đột phá” cho vùng đất là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng và là trung tâm chính trị, kinh tế, đi đầu cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vùng đồng bằng sông Hồng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước; địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ hai cả nước, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước.
Tuy nhiên, vùng còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Cụ thể, chuyển dịch kinh tế chậm, các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc vào vốn, lao động và tài nguyên; thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI. Năng suất lao động chậm cải thiện. Khoa học công nghệ chưa trở thành động lực cho phát triển. Công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch còn chậm, nhiều bất cập, nhất là quy hoạch đô thị. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; quản lý đất đai, tài nguyên, ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Đầu tư công còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ. Thiếu liên kết các khu công nghiệp, chưa hình thành các cụm liên kết ngành. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ; chênh lệch về mức độ phát triển giữa hai tiểu vùng và giữa một số địa phương trong vùng khá lớn. Liên kết về phát triển kết cấu hạ tầng như các tuyến vành đai, các tuyến hướng tâm, các tuyến kết nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế chưa hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh trong thời gian tới, thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, dẫn dắt quá trình cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước.
Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, văn minh, sinh thái đậm đà bản sắc dân tộc; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới.
Trong đó, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển của vùng và cả nước, kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Nhằm tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW với 21 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể.
Theo Báo Đầu tư