An ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ ưu tiên số 1
Mặc dù có sự gián đoạn nhất định trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 nhưng xét tổng thể, công tác điều hành xuất khẩu gạo đã thực hiện được những yêu cầu quan trọng nhất, vẫn bảo đảm tiêu dùng trong nước, an ninh lương thực, tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá tốt (tăng hơn 25% so với năm 2019).
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 15/6, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình, làm rõ một số nội dung có liên quan đến việc điều hành xuất khẩu trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong 2 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu tăng rất lớn (tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước), đến tháng 3 lượng xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh. Thời điểm này do tác động của dịch, nhu cầu tăng dự trữ chiến lược tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo hết sức sôi động, gạo bị hút rất mạnh ra khỏi Việt Nam, giá gạo trong nước và thế giới liên tục tăng.
Cũng thời điểm này, đặc biệt là ngày 22/3, Việt Nam đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tâm lý người dân có dấu hiệu không ổn định, nguy cơ thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thực. Nếu xảy ra biến cố thì lượng gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long dù được mùa cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu với tốc độ lên tới 25.000 tấn/ngày như 15 ngày đầu tháng 3.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập cuộc họp xem xét, cân nhắc các phương án được cơ quan tham mưu trình, kết luận tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.
Sau khi có quyết định này, nhiều địa phương đã có ý kiến, kiến nghị, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan xem xét thấu đáo. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã đồng ý cho xuất khẩu có kiểm soát với hạn ngạch trong tháng 4 là 400.000 tấn.
Đến tháng 4 và tháng 5, dịch bệnh trong nước được khống chế, kiểm soát, tâm lý người dân đã ổn định trở lại, không còn hiện tượng mua gom, tích trữ nhu yếu phẩm như thời điểm cuối tháng 3.
Do đó, các cơ quan liên quan đánh giá lại tình hình sản xuất, nhận định nguồn cung đã ổn định, được mùa, nên dự tính lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (thời điểm vụ hè thu thu hoạch rộ) là khoảng 1,3 triệu tấn. Sau khi cân nhắc các điều kiện và nghe báo cáo của Bộ Công Thương, ý kiến của các bên liên quan, Thường trực Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc từ ngày 1/5 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam đã đạt được mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp nhất. Dự báo năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Mở tờ khai xuất khẩu gạo theo đúng quy định của pháp luật
Cũng phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 15/6, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về quản lý nhà nước trong xuất khẩu gạo thời gian qua, từ góc độ Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc xuất khẩu gạo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Theo đó, ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định, người khai hải quan phải nộp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 29 Luật Hải quan, khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ trường hợp người khai hải quan được khai trên tờ khai hải quan giấy theo quy định của Chính phủ; Điều 25 Luật Hải quan quy định, tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký. Điều 26 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, xử lý tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Căn cứ các quy định trên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong giao dịch với các đối tác nước ngoài ở nhiều múi giờ khác nhau trên thế giới, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan xây dựng Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS), cho phép người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Đây là nỗ lực của cả hệ thống, được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, thể hiện nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của ngành Tài chính.
Theo đó, các chính sách quản lý được nạp vào hệ thống VNACCS/VCIS trước thời điểm 0 giờ 00' sẽ được hệ thống tự động áp dụng từ 0 giờ 00' ngày tiếp theo (ví dụ như: biểu thuế xuất; tiêu chí quản lý rủi ro; danh sách doanh nghiệp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu...). Do vậy, thời điểm áp dụng 0 giờ không còn là điều xa lạ đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cơ quan hải quan đã thực hiện theo quy định của pháp luật và các hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề xuất khẩu gạo. Cụ thể, việc ngày 11/4/2020, cơ quan hải quan cho xuất khẩu gạo thuộc hạn ngạch 400 nghìn tấn thực hiện theo quyết định của Bộ Công Thương. Bộ trưởng cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cải cách hải quan và theo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đã tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ, xử lý sai phạm nếu xảy ra.
Theo Tạp chí Tài chính