.
Châu Á vẫn phức tạp
Malaysia ngày 29-4 cho biết nước này không có thêm ca tử vong nào trong 24 giờ qua, trong khi có thêm 24 ca mắc COVID-19 mới. Nước này hiện có 5.945 ca bệnh với 100 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore xác nhận thêm 690 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, nâng tổng số ca toàn quốc lên 15.641. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là lao động nhập cư tại các khu nhà ở tập thể.
Philippines ngày 29-4 có thêm 254 ca bệnh mới và 28 ca tử vong. Nước này hiện có 8.212 ca bệnh, trong đó 1.023 người đã hồi phục và 558 người chết.
Indonesia có thêm 260 ca bệnh và 11 ca tử vong, theo Bộ Y tế nước này. Đến nay, Indonesia đã có 9.771 ca bệnh với 784 ca tử vong.
Đức: số ca tử vong vượt 6.000
Là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc chống dịch COVID-19, số ca tử vong ở Đức ngày 29-4 chỉ tăng thêm 202 người, nâng tổng số ca toàn quốc lên 6.115. Trên tổng số 157.641 ca bệnh, đã có hơn 120.000 ca hồi phục.
Đức cũng đang đẩy lùi được sự lây lan của virus corona chủng mới khi hệ số lây nhiễm giảm xuống dưới 1, tức trung bình một người mắc bệnh lây nhiễm cho chưa tới một người khác. Thủ tướng Angela Merkel đã cảnh báo hệ thống y tế của nước này có thể bị quá tải nếu hệ số này cao hơn 1.
Đức cũng tiếp tục giữ các biện pháp chống dịch mạnh mẽ trong bối cảnh các quan chức và nhà khoa học cảnh báo số ca nhiễm ở nước này có thể tăng mạnh nếu nới lỏng các biện pháp quá sớm.
Từ ngày 29-4, toàn bộ khách và nhân viên cửa hàng ở Đức đã bắt buộc phải đeo khẩu trang. Người Đức cũng sẽ phải mang khẩu trang trên các phương tiện công cộng, các chuyến tàu dài. Chính phủ cũng kéo dài cảnh báo du lịch nước ngoài đến giữa tháng sau.
Đeo khẩu trang trên trời
Các hãng United Airlines và American Airlines của Mỹ sẽ bắt đầu phát khẩu trang và nước rửa tay cho hành khách từ đầu tháng 5, để đảm bảo giãn cách xã hội. Trước đó, hãng JetBlue Airways đã yêu cầu tất cả hành khách phải mang khẩu trang trên máy bay.
Nhiều hãng cũng đang áp dụng các biện pháp để nhân viên và hành khách mang khẩu trang. "Tất cả các hãng nên noi gương JetBlue" - chủ tịch Hiệp hội tiếp viên hàng không Mỹ Sara Nelson nói.
Nhật cân nhắc lùi khai giảng
Thủ tướng Shizo Abe ngày 29-4 cho biết ông đang cân nhắc lùi thời gian khai giảng năm học mới đến tháng 9 thay vì tháng 4 như thường lệ.
Phát biểu tại phiên họp Hạ viện, Thủ tướng Abe thừa nhận sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng lớn đến học sinh và các phụ huynh, mà còn tác động đến toàn xã hội nói chung. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Koichi Hagiuda ủng hộ quan điểm của Thủ tướng, cho biết đây sẽ là một phương án nếu nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.
Hạ viện Nhật Bản cùng ngày đã thông qua ngân sách bổ sung trị giá 25.690 tỉ yên (tương đương 240 tỷ USD) cho tài khóa 2020 nhằm rót tiền cho gói hỗ trợ kinh tế để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19.
Anh lo ngại kinh tế
Viện kinh tế và nghiên cứu xã hội quốc gia của Anh (NIESR) dự báo kinh tế nước này suy giảm 7,2% trong năm nay, nếu các biện pháp hạn chế tiếp tục được thực thi cho đến giữa tháng 5-2020.
Trong báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế Anh công bố ngày 28-4, Phó giám đốc NIESR, Garry Young, nhận định kinh tế Anh đang ở giai đoạn khó đoán định và phụ thuộc lớn vào khoảng thời gian nước này thực hiện các biện pháp hạn chế và tính hiệu quả từ các chính sách kinh tế của Chính phủ Anh. Tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Âu này sẽ quay trở lại đạt mức 6,8% trong năm tới.
Theo ông Young, đến nay các dấu hiệu đang kết sức lạc quan, tuy nhiên, phần lớn các thách thức sẽ phát sinh khi Anh chuẩn bị chấm dứt hoặc nới lỏng các biển pháp hạn chế và tại thời điểm chính phủ chấm dứt các gói hỗ trợ doanh nghiệp.
Hồi tháng 3-2020, Chính phủ Anh đã công một số biện pháp hỗ trợ, trong đó có cam kết cung cấp khoản vay trị giá 330 tỉ bảng Anh (410 tỉ USD) cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19.