Ngày 13/5/2021, Bộ GTVT đã có Văn bản số 4209/BGTVT-ATGT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang để trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV.
Biển báo tuyến đường có giám sát, sử phạt bằng camera (Ảnh internet) |
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang: “Kiến nghị Bộ GTVT xem xét quy định việc đặt các biển báo với nội dung có camera xử lý vi phạm giao thông trên các tuyến đường, để đảm bảo cơ sở pháp lý, cũng như đảm bảo tính công khai, công bằng trong việc xử lý vi phạm, góp phần điều chỉnh ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đường bộ”.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT cho biết, tại Khoản 5 Điều 4 Luật Giao thông đường bộ đã quy định một trong những nguyên tắc của hoạt động giao thông đường bộ là “người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác”.
Như vậy, khi tham gia giao thông, người tham gia giao thông phải luôn tuân thủ quy tắc giao thông trên tất cả các tuyến đường bộ mà không phải chỉ tuân thủ quy tắc giao thông tại các đoạn tuyến đường bộ có lắp hệ thống camera giám sát giao thông.
Mặt khác, để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm của người tham gia giao thông, lực lượng chức năng ngoài việc tăng cường thực hiện tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, thì còn được sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ để hỗ trợ phát hiện vi phạm; hệ thống camera giám sát giao thông chỉ là một trong số các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lực lượng chức năng sử dụng để phát hiện vi phạm.
Do đó, việc lắp đặt riêng một loại biển báo trên đường bộ để chỉ dẫn về khu vực có lắp hệ thống camera giám sát giao thông là không phù hợp.
Quy trình Cảnh sát giao thông xử phạt "nguội"
Căn cứ Điều 11 Nghị định 165/2013/NĐ-CP, Điều 14 Thông tư 06/2017/TT-BGTVT và Điều 25 Thông tư 65/2020/TT-BCA, việc xử phạt "nguội" được thực hiện như sau:
Bước 1: Phát hiện vi phạm giao thông
Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hình ảnh phương tiện vi phạm giao thông được ghi lại.
Bước 2: Hình ảnh vi phạm được chuyển cho bộ phận trích xuất
Bộ phận này sẽ lưu lại các thông tin về phương tiện vi phạm như biển số xe, thời gian vi phạm, tuyến đường vi phạm, lỗi vi phạm,… Sau đó in hình ảnh vi phạm kèm theo phiếu xác nhận kết quả vi phạm, chuyển cho lực lượng CSGT để làm căn cứ xác định vi phạm và xử phạt.
Việc giao, nhận hình ảnh vi phạm kèm phiếu xác nhận kết quả phải được ghi chép vào sổ theo dõi, ký nhận và lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Bước 3: CSGT thông báo hành vi vi phạm
Sau khi nhận được hình ảnh vi phạm và phiếu xác nhận kết quả CSGT sẽ thông báo cho tổ chức, cá nhân vi phạm về hành vi vi phạm, yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền để làm việc.
Bước 4: Lập biên bản vi phạm hành chính
Nếu xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm, lực lượng CSGT phải tiến hành ngay việc lập biên bản vi phạm hành chính và kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lưu theo biên bản vi phạm hành chính.
Nộp phạt "nguội" ở đâu?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP, người bị phạt "nguội" có thể đến các địa điểm sau để nộp phạt:
- Tại Kho bạc nhà nước: Có thể nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
- Nộp trực tiếp tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt.
- Nộp phạt thông qua hệ thống dịch vụ bưu điện: Người vi phạm đăng ký với cơ quan Công an giao thông bằng cách ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm.
- Nộp phạt trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia: dichvucong.gov.vn.
Lưu ý: Người vi phạm phải đến nơi bị xử phạt nguội để lấy quyết định xử phạt rồi sau đó mới thực hiện được việc nộp phạt.
Không nộp phạt "nguội" có sao không?
Hiện nay, rất nhiều trường hợp được gửi thông báo phạt "nguội" nhưng số lượng người chấp hành nộp phạt theo quy định còn rất ít. Vậy trường hợp người dân cố tình chây ì không đi nộp phạt có sao không?
Theo khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định; trường hợp ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Nếu không nộp phạt nguội đúng hạn, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Đặc biệt, trường hợp ô tô vi phạm giao thông không nộp phạt nguội đúng thời hạn còn có thể bị từ chối đăng kiểm. Bởi theo khoản 12 Điều 80 Nghị định 100/2019, nếu quá hạn nộp phạt, CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Đây là một trong những lý do để đơn vị đăng kiểm không được kiểm định xe tại khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT.
Như vậy, nếu xe ô tô không tiến hành nộp phạt vi phạm giao thông thì sẽ bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định và không thể thực hiện được kiểm định. Trường hợp quá hạn đăng kiểm sẽ bị phạt rất nặng, cao nhất có thể lên đến 16 triệu đồng.
Chính vì những lý do trên, người vi phạm nên đến nộp phạt đúng theo thông báo để không bị xử lý và phải nộp thêm tiền phạt.
Theo Người đưa tin