Liên quan việc giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, sáng 26/6, Bộ Giao thông Vận tải thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, ngành giao thông đã giải ngân được 6.686 tỷ/10.288 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2019, giải ngân 4.740/5.185 tỷ đồng (đạt 91%); năm 2020, giải ngân 1.946/5.103 tỷ đồng đạt 38,1%.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, nhờ sức giải ngân khá mạnh mẽ nên đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện giải phóng mặt bằng đang đạt tiến độ khá tích cực với 11/11 dự án đã cơ bản hoàn thành việc đo đạc, kiểm đếm lập phương án đền bù.
Về vấn đề đền bù, thu hồi đất và bàn giao mặt bằng đã chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng là 530,8/653,61km (đạt 81,21%).
Việc xây dựng các khu tái định cư, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, các Ban quản lý dự của Bộ đang phối hợp tích cực với các địa phương để tăng tốc triển khao để người dân có thể về khu ở mới. Hiện tại, trong tổng số 110 khu tái định cư đã xây dựng xong chín khu; đang triển khai thi công 66 khu; đang lựa chọn nhà thầu ba khu và đang khảo sát thiết kế, thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế 32 khu.
Liên quan đến việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, một trong những khâu khó nhất trong giải phóng mặt bằng cũng đang được triển khai tốt. Hiện tại, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phải di dời 1.248 vị trí đường điện giao cắt (trong đó 128 vị trí cao thế, 369 vị trí trung thế, 751 vị trí hạ thế).
Đối với chiều dài di dời đường ống cấp nước các loại là 25.436m; chiều dài di dời cáp viễn thông các loại là 34.609m.
Tính đến thời điểm hiện nay, các địa phương đang triển khai thi công di dời chín vị trí điện cao thế, 36 vị trí điện trung thế, 31 vị trí điện hạ thế; khối lượng còn lại tư vấn đang tiến hành lập phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để trình duyệt và triển khai các bước tiếp theo.
Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, do dự án đi qua nhiều địa phương, phạm vi giải phóng mặt bằng lớn nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần tiếp tục có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), cho biết: "Thời gian vừa qua, ngay trong giai đoạn cao điểm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xác định việc giải phóng mặt bằng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là cơ sở bắt buộc để có thể triển khai thi công tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã thường xuyên họp giao ban với các đồng chí Thứ trưởng phụ trách dự án cũng như các cơ quan đơn vị, các Ban quản lý dự án của Bộ để kiểm điểm, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng."
"Hàng tháng, các đồng chí Thứ trưởng trực tiếp làm việc với từng địa phương để phối hợp thúc đẩy công tác rất quan trọng này; hiện nay, một số địa phương có tăng chi phí giải phóng mặt bằng, tuy nhiên không làm tăng tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt, chỉ điều chỉnh lại cơ cấu trong tổng mức đầu tư."
"Nguyên nhân tăng chi phí giải phóng mặt bằng chủ yếu là các địa phương công bố giá đất định kỳ năm 2020 theo quy định của Luật Đất đai cao hơn so với thời điểm lập dự án," ông Phan Quang Hiển cho hay.
Thi công tại gói thầu số 8 thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Cũng theo ông Phan Quang Hiển: "Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện đôn đốc chỉ đạo, các địa phương cũng đã rất khẩn trương, tích cực để thực hiện. So với giai đoạn cuối tháng 4/2020 thì đến nay, đã bàn giao thêm được khoảng 10% khối lượng, đạt trên 80%."
"Tuy khối lượng còn lại chỉ khoảng 19%, nhưng tập trung vào những hạng mục phức tạp như xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, là đường găng quyết định tiến độ giải phóng mặt bằng phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao của dự án," ông Phan Quang Hiển cho biết.
Để vấn đề giải phóng mặt bằng dự án cao tốc đường bộ Bắc-Nam đạt hiệu quả cao hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, các cơ quan đơn vị của Bộ, đặc biệt là các Ban quản lý dự án phải tích cực phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 19%).
Bộ trưởng giao các giám đốc Ban quản lý dự án phải trực tiếp, chủ động xử lý các vướng mắc và chịu trách nhiệm trước Bộ về kết quả giải phóng mặt bằng.
Về tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, đến hết tháng 8/2020, đối với tất cả các vị trí không vướng về khu tái định cư và hạ tầng kỹ thuật phải chi trả được hết tiền cho dân. Đến cuối tháng 9/2020 phải di dời nhà cửa, dân cư, chi trả tiền cho người dân thuê nhà, bố trí chỗ ở tạm trước khi hoàn thành các khu tái định cư.
Đặc biệt là việc xây dựng các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trong đó các công trình truyền tải điện là khối lượng chủ yếu của việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, yêu cầu các Ban quản lý dự án làm đầu mối để các địa phương thực hiện các thủ tục với các cơ quan trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về thiết kế, đóng cắt điện... theo các quy định của chuyên ngành điện lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành toàn bộ trong quý 4/2020. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo Bộ và cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Nhằm đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu ba địa phương có dự án đi qua đẩy nhanh các giải pháp để hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Theo đó, 2 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh gồm Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hải, thuộc địa phận của huyện Diên Khánh, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh.
Theo thống kê, cả ba địa phương này xác định có 2.439 trường hợp bị ảnh hưởng, hiện đã kiểm kê được 2.380 trường hợp và đã chi trả bồi thường cho 942 trường hợp; trong đó có 181 hộ cần được bố trí tái định cư tại sáu khu tái định cư của ba địa phương nêu trên.
Năm 2020, dự án thành phần đoạn Nha Trang-Cam Lâm được bố trí hơn 511 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng. Tính đến ngày 19/6, các địa phương đã giải ngân được gần 134 tỷ đồng chi trả cho người dân, đạt tỷ lệ 26,21%. Dự án thành phần đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo được bố trí khoảng 41,4 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 12,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29,9%. Đây là tiến độ khá chậm so với kế hoạch đề ra.
Trước thực trạng trên, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương thực hiện các giải pháp như tăng cường thêm nhân lực, bố trí làm thêm ngoài giờ để đảm bảo hoàn tất phê duyệt phương án bồi thường cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án.
Cùng đó, các địa phương khẩn trương triển khai kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có năng lực thi công xây dựng các khu tái định cư; các sở, ngành, địa phương sớm giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc liên quan đến giá đất, giá bồi thường vật kiến trúc, chính sách dạy nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân.../.
Theo TTXVN