Trung Quốc
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 6/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo kênh tin tức CGTN (Trung Quốc), Trung Quốc vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất với 80.813 người và 3.073 ca tử vong (trong đó 2 ca mới ở Hong Kong và 1 ca ở Đài Loan). 55.404 người đã hồi phục.
Châu Á
Bên ngoài Trung Quốc, ít nhất 19.700 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) và trên 360 người chết.
Đáng báo động nhất vẫn là tình hình dịch ở Hàn Quốc với 7.041 ca được xác nhận và 48 người tử vong. Trong đó, số ca mới là 448 người. Phần lớn số ca nhiễm SARS-CoV-2 là ở các thành phố Daegu, Cheongdo và Gyeongsan. Số ca nhiễm tại thủ đô Seoul và thành phố Busan lớn thứ hai Hàn Quốc là trên 100 ca.
Tại Iran, có 5.823 ca nhiễm bệnh và 145 ca tử vong (21 ca mới). Đáng lưu ý, một nữ nghị sĩ Iran đã tử vong vì COVID-19 khi mới đắc cử không lâu.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (SNSC) Ali Shamkhani đã nêu nghi vấn về tính chân thành trong đề nghị của Mỹ hỗ trợ nước Cộng hòa Hồi giáo ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Ali Shamkhani ngày 7/3 cho hay: “Cấm vận và không tuân thủ cam kết đang đe dọa an ninh quốc tế nhiều hơn là COVID-19. Tuyên bố của Mỹ sẵn sàng giúp Iran chỉ có thể được kiểm chứng qua hành động thực thi các nghĩa vụ pháp lý trong Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA)”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay Mỹ đã đề nghị hỗ trợ Iran trong cuộc chiến chống COVID-19. Trong một thông báo ngày 29/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Seyed Abbas Mousavi đã chỉ trích phát biểu của ông Pompeo là hành động tuyên truyền mang tính đạo đức giả và lừa đảo.
Cũng tại châu Á, một loạt nước đã công bố thêm các ca nhiễm mới như Afghanistan (1), Australia (6), Nhật Bản (63), Malaysia (10), Thái Lan (2). Campuchia thông báo về ca nhiễm đầu tiên là người Campuchia ở nước này. Bệnh nhân là một nam giới 38 tuổi, có tiếp xúc với một người Nhật Bản đã tới Campuchia vào ngày 28/2. Người Nhật Bản này sau đó về nước và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm 4/3.
Châu Âu
Tại châu Âu, ổ dịch lớn nhất hiện vẫn là Italy với 5.883 ca nhiễm và 233 ca tử vong, trong đó 36 ca tử vong mới. Theo Reuters, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy Angelo Borrelli ngày 7/3 cho biết, nước này sẽ ban hành các biện pháp mới ngay trong ngày nhằm cố gắng khống chế sự lây lan của SARS-CoV-2, sau khi số liệu thống kê cho thấy hôm nay là ngày có số ca nhiễm mới tăng cao nhất kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 từ 2 tuần trước.
Truyền thông Italy cho hay, chính phủ đã và đang cân nhắc việc mở rộng khu vực hạn chế tiếp cận hiện nay để cách ly, còn gọi là “vùng đỏ”, ra hầu hết tỉnh Lombardy, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19.
Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 4/3. Ảnh: THX/TTXVN |
Tiếp đến là Pháp với 949 ca nhiễm và 16 ca từ vong, Đức với 800 ca nhiễm, tăng 130 ca. Ba bang ở Đức có số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất là Nordrhein-Westfalen (377 ca), Baden-Württemberg (170 ca) và Bayern (134 ca). Thủ đô Berlin đã ghi nhận 28 ca nhiễm bệnh, trong khi Sachsen-Anhalt hiện là bang duy nhất trong 16 bang ở Đức chưa có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Đức cũng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do SARS-CoV-2.
Báo chí sở tại đưa tin, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ Đức đang cân nhắc thực hiện các biện pháp nhằm giảm những tác động về kinh tế đối với người dân do dịch gây ra, theo đó Berlin sẽ nới lỏng quy định về giờ làm việc. Báo Thương mại (Handelsblatt) dẫn các nguồn thạo tin cho biết, quy định về rút ngắn thời gian làm việc sẽ được các đảng trong liên minh cầm quyền ở Đức áp dụng cho đến hết tháng 3 này.
Một loạt quốc gia châu Âu khác có số ca nhiễm COVID-19 cao như Tây Ban Nha với 503 ca nhiễm và 10 ca tử vong, Thụy Sĩ với 268 ca nhiễm và 1 người tử vong, Hà Lan với 188 ca nhiễm và 1 người tử vong, Vương quốc Anh 209 ca nhiễm và 45 tử vong, Bỉ 169 ca nhiễm bệnh, Na Uy 156 ca, Thụy Điển 161 ca…
Trước nguy cơ dịch bệnh đang ngày một lây lan và khó kiểm soát, một số chuyên gia dịch tễ học châu Âu đã bày tỏ lo ngại về các biện pháp phòng dịch của chính quyền các quốc gia thành viên mà theo họ là chưa đủ mạnh để có thể kiểm soát được dịch bệnh. Giới chuyên gia cũng cảnh báo việc các quốc gia châu Âu chưa sẵn sàng cho các tình huống xấu khi dịch bệnh bùng phát, như không đủ số giường bệnh, thiếu nhân lực trong ngành y để có thể tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân cần nhập viện. Đó còn là chưa kể tới các thiết bị y tế, khẩu trang cá nhân, nước tiệt trùng đang bị thiếu trầm trọng.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli mới đây thông báo, phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến từ ngày 9 tới 12/3 sẽ diễn ra tại Brussels, Vương quốc Bỉ thay vì tại Strasbourg, Pháp, nhằm hạn chế nguy cơ dịch COVID-19 có thể lây nhiễm.
Mỹ
Tại Mỹ, đã có 409 ca nhiễm COVID-19 với 90 ca mới, trong đó có 21 ca mới trên du thuyền Grand Princess đậu ngoài khơi California. Số người tử vong là 19, tăng 4 ca so với ngày trước.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Manhattan, New York, Mỹ, ngày 5/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kế hoạch cấp tài chính khẩn cấp 8,3 tỷ USD để chống dịch COVID-19.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 7/3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Phát biểu họp báo, ông Cuomo cho biết thành phố New York, thủ phủ đông dân cư nhất của bang, đã có 11 ca dương tính với SARS-CoV-2, và vùng Westchester County cũng tăng 23 ca so với một ngày trước đó, lên đến 57 trường hợp. Trong khi đó, hạt Nassau thuộc Long Island cũng có 4 ca, hạt Rockland có 2 ca và hạt Saratoga có 2 ca mới nhiễm.
Ông Cuomo nêu rõ: “Westchester rõ ràng là một vấn đề đối với chúng ta… Tại đây có sự lây lan ở các ổ dịch và các ổ dịch này có vẻ sẽ lây lan cho nhiều người nữa”. Tuy nhiên, ông cũng liên tục kêu gọi dân chúng giữ bình tĩnh và nhấn mạnh rằng khoảng 80% người nhiễm COVID-19 do SARS-CoV-2 sẽ tự khỏi và nguy cơ đối với sức khỏe tổng thể của người dân New York vẫn là thấp.
Theo Báo tin tức