-- Đông đảo Tăng Ni, Phật tử và đại diện các cơ quan, ban, ngành tham dự buổi lễ |
Sáng ngày 25/6/2024, tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, đã diễn ra lễ ký kết phối hợp giữa Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưởng ứng “Chương trình đăng ký hiến tạng - Cho đi là còn mãi” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, cùng đại diện Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và đông đảo Tăng Ni, Phật tử.
-- Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc lễ ký kết, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, hiến mô, tạng cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần từ bi, hỷ xả của đạo Phật. Trong nhiều năm qua Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực đăng ký hiến mô, tạng cứu người. Buổi lễ ký kết giữa Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưởng ứng “Chương trình đăng ký hiến tạng - Cho đi là còn mãi” do Thủ tướng Chính phủ phát động sẽ là cơ sở để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước vận động Tăng Ni, Phật tử đăng ký hiến mô, tạng cứu người.
-- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ |
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng hiến tặng mô, tạng là một hành động cao cả, thể hiện tinh thần nhân ái, lòng vị tha và trách nhiệm đối với cộng đồng. Mỗi một mô, tạng được hiến tặng là một cuộc sống được hồi sinh, một gia đình được bảo vệ và là một niềm hy vọng được nhen nhóm. Trên toàn thế giới, hàng triệu người đang chờ đợi một phép màu, chờ đợi một cơ hội sống mới từ những tấm lòng nhân hậu.
Đức Phật đã dạy rằng, “Không có việc gì cao quý hơn việc cứu giúp mạng sống của người khác. Việc hiến tặng mô, tạng cứu người chính là một hành động thể hiện lòng từ bi cao cả đó. Khi chúng ta hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu sống hoặc cải thiện cuộc sống của người khác, chúng ta đang thực hành từ bi một cách thiết thực và cụ thể nhất. Không những vậy, việc hiến tặng mô, tạng còn mang lại lợi ích cho chính bản thân chúng ta. Theo quan điểm của nhân quả, mỗi hành động thiện lành đều mang lại những điềm tốt đẹp. Hiến tặng mô, tạng, là đang gieo những hạt giống của lòng từ bi và tình thương, và chắc chắn rằng chúng ta sẽ gặt hái được những quả ngọt trong tương lai.
-- PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại lễ kí kết |
Cũng tại buổi lễ, PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam chia sẻ, thế giới đã lấy ngày 13/8 làm ngày Hiến tạng thế giới. Ngày 19/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo đề xuất lấy ngày 19/5 ngày sinh nhật Bác là Ngày Hiến tạng Việt Nam”. Chúng ta cần coi nguồn tạng hiến tặng là tài sản quốc gia như một số nước đã quy định. Hiến tạng và được ghép tạng là quyền công dân, cần đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Để tiếp tục lan tỏa nghĩa cử nhân văn, nhân ái tới xã hội. Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết phối hợp “ Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi” do Thủ tướng Chính phủ phát động và khởi động đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Phuong Nam TH