Sử dụng nước mặt trái phép để phát điện trong thời gian dài
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Bồng Lai (Công ty Bồng Lai) đã có hành vi khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện nhưng không có Giấy phép khai thác, sử dụng nước theo quy định trong thời 571 ngày (kể từ ngày 27/10/2019 đến ngày 20/5/2021).
Với hành vi này, Công ty Bồng Lai (số 39 Nguyễn Công Trứ, phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) - chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đa Cho Mo 2 tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) bị xử phạt 120 triệu đồng theo quy định tại điểm d, khoản 7, Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu Công ty Bồng Lai nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm khai thác, sử dụng nước mặt không có giấy phép.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu trong 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt, Công ty Bồng Lai phải liên hệ với Cục Thuế tỉnh để xác định số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm khai thác, sử dụng nước mặt không có giấy phép và nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt, công ty này phải nộp số tiền phạt nêu trên và số tiền thu lợi bất hợp pháp.
Cùng với hành vi trên, Công ty TNHH sản xuất thương mại thiết bị điện và cơ khí Nhật Anh (Công ty Nhật Anh) có địa chỉ 21B/3, Trần Phú, phường 3, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, là chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Đa Trou Kea tại huyện Di Linh, cũng bị UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định xử phạt 100 triệu đồng.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu Công ty Nhật Anh nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm khai thác, sử dụng nước mặt không có giấy phép trong thời 1.228 ngày (kể từ ngày 8/1/2018 đến ngày 20/5/2021).
Tuy vậy, công ty này được áp dụng tình tiết giảm nhẹ vì đã lập thủ tục cấp Giấy phép khai thác nước mặt và đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác nước mặt theo quy định.
Cả hai công ty trên đã khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện nhưng không có giấy phép. |
Cả hai doanh nghiệp này đều bị Thanh tra Sở TN&MT lập biên bản vi phạm hành chính ngày 20/5/2021 và đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt. Các quyết định này đã được chuyển tới hai doanh nghiệp trên, để chấp hành theo quy định của pháp luật.
Tác động của công trình thủy điện đổi với môi trường nước mặt
Việc hình thành các hồ chứa của các công trình thủy điện trên các lưu vực sông đã phục vụ tốt cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu nông nghiệp, hỗ trợ điều tiết nước cho khu vực hạ lưu. Một số công trình thủy điện có hồ chứa lớn bước đầu đã phát huy tác dụng cắt giảm lũ vùng hạ lưu như: Thủy điện Đại Ninh (sông Đa Nhim), Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 (sông Đồng Nai) đã phòng, chống, cắt giảm lũ cho vùng hạ lưu của huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh.
Bên cạnh những tác động tích cực, những ảnh hưởng tiêu cực của các công trình thủy điện tới hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên là không nhỏ. Thậm chí, một số công trình chưa kiểm định đã hoạt động, không tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, trồng rừng thay thế,... đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng: Mất rừng, hạn hán, môi sinh thay đổi, ảnh hưởng tới chiến lược phát triển xanh và bền vững.
Cùng với đó, do những bất cập trong công tác quản lý xây dựng và vận hành các công trình thủy điện khiến cho hơn 90% công trình thủy điện trên cả nước chưa thể đảm nhận nhiệm vụ điều tiết lũ (cắt lũ) vào mùa mưa và điều tiết nước cho vùng hạ lưu vào mùa khô hạn. Đặc biệt, việc thiếu các quy định cụ thể trong xây dựng và vận hành các hồ chứa thủy điện đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường như: Làm thay đổi chế độ thủy văn của các sông ngòi, làm giảm lượng nước trong mùa kiệt, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm tại hạ lưu các con sông, thậm chí gây ra những nguy cơ về địa chấn động đất kích thích.
Bên cạnh đó, việc thay đổi quy hoạch các bậc thang thủy điện chưa xem xét đến hiệu quả tổng thể về cấp nước, phòng lũ, đẩy mặn… đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác tổng hợp nguồn nước, điển hình như các bậc thang thủy điện Đồng Nai 2 và Đồng Nai 6. Tình trạng xâm nhập mặn ở phía hạ nguồn sông Đồng Nai đang diễn biến theo chiều hướng xấu.
Vào những tháng cao điểm mùa khô, xâm nhập mặn đã xâm thực sâu vào đất liền, đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động cấp nước của một số nhà máy nước đặt tại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và nhà máy nước Thủ Đức (TP.HCM). Nguyên nhân chính là do nguồn nước phía thượng nguồn bị chặn bởi các công trình thủy điện, không đủ nước cấp cho khu vực hạ lưu để đẩy nguồn mặn ra xa khỏi khu vực.
Nước là tài nguyên thiết yếu của con người, nhưng nguồn ở nước ta đang chịu nhiều sức ép từ nhu cầu sử dụng tăng, sử dụng hiệu quả thấp, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, sạt lở, hiện đã thấy rõ tính không bền vững của nguồn tài nguyên này. Việc thực hiện quản trị tài nguyên nước ở nước ta thời gian qua có nhiều bất cập, cần thiết nghiên cứu bổ sung đánh giá và cập nhật, sử dụng hiệu quả hơn.
Theo Kinh Tế Môi Trường