UBND TP.Hà Nội vừa có quyết định ban hành giá vé vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, thành phố sẽ miễn giá vé cho toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông bắt đầu khai thác vận hành thương mại.
Sau 15 ngày khai thác, hành khách có thể chọn mua vé theo hình thức vé lượt, vé ngày, vé tháng.
Dự án đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông đã nhiều lần lỡ hẹn vận hành chính thức. (Ảnh: VnExpress) |
Cụ thể, giá vé lượt từ trên 7.000 đồng cho đến 15.000 đồng tùy theo chặng sử dụng; giá vé ngày là 30.000 đồng/người/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người/tháng cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người/tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể được áp dụng mức giá 140.000 đồng/người/tháng; Hà Nội thực hiện miễn tiền vé cho các đối tượng ưu tiên, bao gồm: Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Được biết, các mức giá trên đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể cho hành khách đi trên tuyến và các khoản chi phí trung gian thanh toán (nếu có).
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 14/6/2021 và mức giá vé trên được áp dụng từ ngày đưa phương tiện vào khai thác thương mại. Sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành đường sắt đô thị, UBND thành phố giao Sở GTVT, Sở Tài chính đánh giá, tổng kết và trình thành phố xem xét ban hành mức giá vé phù hợp.
Trước đó, đầu tháng 4, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đã xây dựng kịch bản triển khai các công việc còn lại của dự án và đã có báo cáo Thủ tướng dự kiến khai thác vào dịp 30/4 -1/5. Thời gian qua, Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội, Ban QLDA Đường sắt và các cơ quan, cá nhân liên quan đã hết sức nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu trên.
"Hiện nay, các điều kiện kỹ thuật của dự án đã đảm bảo có thể vận hành, tuy nhiên các hồ sơ, thủ tục nghiệm thu còn phụ thuộc vào quy trình kiểm tra, xem xét và đánh giá kết quả thực hiện của Tư vấn an toàn ACT và Hội đồng dẫn đến mốc thời gian đó không đạt được như mong muốn. Bộ GTVT rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm của nhân dân và toàn xã hội", đại diện Bộ GTVT cho hay.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỉ đồng).
Tuyến có chiều dài 13,5 km với 12 ga đón trả khách trên cao, trên lộ trình: Cát Linh - La Thành-Thái Hà - Láng - ĐH Quốc gia - Vành đai 3 - Thanh Xuân - Bến xe Hà Đông - trung tâm Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới và khu đề-pô tại Ba La (Hà Đông).
Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. Đến nay dự án đã có một số lần chạy tàu thử nghiệm nhưng vẫn chưa thể chạy chính thức.
Theo Kinh tế Môi trường