Hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và 12 người nguyên là phó chủ tịch, thành viên UBND tỉnh giai đoạn 2011-2017 phải kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trong đó có ông Nguyễn Thanh Nghị, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.
Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc xử lý những sai phạm đất đai theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Báo cáo nêu rõ có 23 đơn vị sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường. Đến nay 9 đơn vị đã tổ chức kiểm điểm, 14 đơn vị đang tiến hành thực hiện.
Cụ thể, ngày 18/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường giai đoạn 2011 – 2017.
Hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là các ông Phạm Vũ Hồng, Lê Văn Thi cùng 12 người nguyên là Phó chủ tịch, thành viên UBND tỉnh giai đoạn 2011-2017 phải kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Trong 6 nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang bị kiểm điểm rút kinh nghiệm có ông Nguyễn Thanh Nghị (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang); ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc; bà Lê Thị Minh Phụng và các ông Mai Anh Nhịn, Lâm Hoàng Sa, Lê Khắc Ghi đã nghỉ hưu.
Ngoài ra còn có 40 cán bộ là công chức tại các sở, ngành, UBND huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, Giồng Riềng bị kiểm rút kinh nghiệm. Huyện Phú Quốc có 21 cán bộ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, 5 cá nhân kỷ luật cảnh cáo và 11 người nhận kỷ luật khiển trách.
Về xử lý kinh tế, tỉnh Kiên Giang đã truy thu tiền thuế tài nguyên hơn 2,2 tỷ đồng. Đối với nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuế đất, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang thu hơn 822 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.549 tỷ đồng.
Số tiền không có khả năng thu hồi trên 39 tỷ đồng do doanh nghiệp phá sản hoặc không triển khai dự án.
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2011-2017, chủ đầu tư các dự án, các tổ chức sai phạm về tài chính liên quan tới đất đai và bảo vệ môi trường tổng số tiền lên tới trên 741,59 tỉ đồng, chủ yếu là giao đất, ưu đãi, miễn giảm tiền sử dụng đất sai quy định. Số nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lên tới hơn 1.570 tỉ đồng. Ngoài ra còn phải thu hàng chục tỉ đồng tiền nợ thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...
Từ năm 2011-2017, huyện Phú Quốc và Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang đã cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện Phú Quốc. Chưa kể còn có hàng trăm vụ vi phạm về xây dựng đô thị, bao chiếm đất rừng tràn lan. Trong đó, có rất nhiều thửa đất nông nghiệp được tách với diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định đất ở 36m2.
Những sai phạm nêu trên không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng mà còn để lại nhiều hậu quả rất khó khắc phục, thậm chí có những sai phạm gần như không thể khắc phục được.
Kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc buông lỏng quản lý về đất đai gây khó khăn trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung. Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính đối với vi phạm, thiếu sót trên.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có liên quan kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, vi phạm; Đồng thời, tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với tập thể, cá nhân có sai phạm.