Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Sáu tháng điều chỉnh 1 lần: Giá điện có tăng và có giảm

TDVN 07:46 21/08/2020

Giá điện luôn bị nhiều người phàn nàn vì mỗi lần điều chỉnh là chỉ tăng không giảm. Tuy nhiên, hoàn toàn có cơ sở để giá điện điều chỉnh 6 tháng/lần và có tăng có giảm.

Điều chỉnh 6 tháng/lần, giá điện có thể giảm

Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, giá điện đã trải qua 3 lần điều chỉnh: năm 2015 tăng 7,5%; năm 2017 tăng 6,08%; 2019 tăng 8,36%. Như vậy, cứ 2 năm giá điện có một lần điều chỉnh và đều theo hướng tăng.

Điều này khiến người dân băn khoăn: “Tại sao giá điện chỉ có tăng, không thấy giảm?”. Câu hỏi kèm theo bao thắc mắc của người dân là có thể hiểu được.

Giá điện có tăng, có giảm nếu đẩy nhanh việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh.

Năm nào, Bộ Công Thương cũng tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện. Kết quả kiểm tra này là một trong những căn cứ xây dựng mức giá bán lẻ điện trung bình.

Tuy nhiên, mốc thời gian kiểm tra lại có độ trễ. Ví dụ đến nay, đã tháng 8/2020 nhưng mới chỉ có kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (được công bố vào tháng 12/2019).

Việc có độ trễ như vậy khiến giá điện không phản ánh sát biến động của thị trường. Đôi khi vì một lý do nào đó, 2 năm mới điều chỉnh giá điện 1 lần dẫn tới nhiều loại chi phí bị cộng dồn lại, đến khi điều chỉnh giá điện chỉ có tăng mà không giảm.

Một chuyên gia ngành điện cho rằng: Nếu việc kiểm tra giá thành có thể tiến hành sớm thì các biến động chi phí sẽ được cập nhật hơn. Ví dụ, 6 tháng Bộ có thể tổ chức đoàn đi kiểm tra một lần rồi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện. Thông thường, 6 tháng đầu năm thủy văn tốt hơn thì giá có thể giảm do giá mua điện từ các nhà máy thủy điện là khá thấp. 6 tháng mùa khô giá điện có thể tăng khi phải huy động nhiều nguồn điện giá cao hơn.

Ngay cả khi các chi phí không có sự biến động thì Bộ cũng nên công bố kết quả kiểm tra đó để giải thích lý do giữ nguyên giá điện.

“Khi đã làm tốt việc điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần thì có thể thực hiện 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần. Một số nước như Thái Lan có thể điều chỉnh giá điện 1 tháng 1 lần”, vị này cho biết.

Khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” vào ngày 5/11/2019, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm đề án “Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam” đề xuất luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá với phương án 6 tháng/lần. Thời điểm điều chỉnh giá điện có thể lựa chọn theo mùa mưa, mùa khô, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng, với kỳ điều chỉnh giá đề xuất là vào ngày 1/3 và 1/9 hằng năm. Đề án cũng đề xuất giá điện chỉ được điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.

Nhiều chuyên gia có mặt cũng đồng tình với phương án này vì nếu để 2 năm điều chỉnh 1 lần thì mức tăng là rất cao, khiến người dân không khỏi “sốc”.

Giá điện phải phản ánh được đầy đủ chi phí.

Hoàn toàn có thể

Thực tế cho thấy, việc điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần không phải là điều bất khả thi. Phần lớn chi phí sản xuất kinh doanh điện ít có sự biến động, các chi phí có sự biến động thường là giá nhiên liệu như than, khí, dầu, tỷ giá, cơ cấu nguồn điện huy động,...

Về cơ bản, giá điện hiện tại phần nào đã phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện, đảm bảo cho EVN có lãi dù mức lãi khá thấp, chỉ 4 đồng/số điện. Mức lợi nhuận thấp đó được Bộ Công Thương giải thích là do “chưa tính đủ một số chi phí còn treo lại vào trong giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018”.

Để giá điện phản ánh đầy đủ chi phí, làm cơ sở để điều chỉnh 6 tháng/lần thì cần phải giải quyết một số vấn đề khác. Trong đó việc xử lý khoản chi phí phát sinh do chênh lệch tỷ giá lên đến 3.000 tỷ đồng đang bị “treo”, chưa được tính vào giá bán lẻ điện. Quan trọng là cơ quan quản lý các cấp cần coi việc điều chỉnh giá điện tăng/giảm khi có biến động là việc bình thường trong nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, bản thân ngành điện cũng cần tiếp tục tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động... Khi làm xong những việc này, cộng với tuân thủ việc 6 tháng kiểm tra giá thành một lần, giá điện hoàn toàn có thể có sự tăng/giảm sau mỗi lần điều chỉnh, thay vì mỗi lần điều chỉnh là lại tăng như hiện nay.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (EVN không còn độc quyền bán lẻ) mà Bộ Công Thương đang tính tới. Tại Tờ trình phê duyệt chủ trương xây dựng, phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 12/2/2020, Bộ Công Thương cũng đề xuất “kiên trì thực hiện việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường, phản ánh đúng và đầy đủ các chi phí đầu vào và lợi nhuận hợp lý”.

Như vậy, những bức xúc của người dân có thể vơi bớt, và là một trong các giải pháp căn cơ để hóa giải những lùm xùm về hóa đơn tiền điện trong suốt thời gian qua. Đó là việc cần làm thay vì chỉ chú ý đến việc cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Theo Vietnamnet

Link gốc : https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/cach-nao-de-gia-dien-co-tang-co-giam-667794.html

Bạn đang đọc bài viết Sáu tháng điều chỉnh 1 lần: Giá điện có tăng và có giảm tại chuyên mục Tin tức 24h qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h qua