Trao đổi với Trí Thức Trẻ, một chuyên gia kinh tế người Việt sinh sống và làm việc tại Mỹ cho rằng, con số 33% tăng của GDP quý 3 không nên được nhìn quá trực diện, vì khi đóng cửa thì GDP quý 2 của Mỹ cũng đã giảm tới 33%.
Con số này chỉ có ý nghĩa một chút trong việc dự đoán xem nền kinh tế sẽ xuống nhanh - phục hồi nhanh hình chữ V hay xuống nhanh - phục hồi chậm theo hình logo Nike. Mặc dù con số thì có vẻ như gần hơn với hình V, nhưng nhìn vào kinh nghiệm châu Âu thì chỉ cần coronavirus quay trở lại thì kinh tế sẽ lại suy giảm, nên không thể chắc chắn là quý sau tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn được như quý trước.
Mặt khác, chuyên gia này cũng nhận định, con số này cũng không có tác động đến kết quả bầu cử vì hai lý do.
Thứ nhất, năm nay là năm người Mỹ đi bầu sớm nhiều nhất trong lịch sử 100 năm trở lại đây. Nên thông tin tăng trưởng này đến sau và sẽ không thay đổi được những lá phiếu đã bầu cho Biden.
Thứ hai, một vấn đề rất quan trọng đến thành bại của Trump là ông có mở rộng được số phiếu ra những người trước đây chưa từng ủng hộ ông hay không. Cho dù qua thăm dò, hay phiếu bầu thì rõ ràng những người trung lưu, vùng ngoại ô thì họ ủng hộ Biden hơn. Những người ủng hộ Trump thì họ vốn đã tin Trump cho dù kết quả kinh tế ra sao. Những người không ủng hộ Trump vì những lý do khác như coronavirus thì kết quả đó cũng không quá ảnh hưởng đến việc ra quyết định của họ.
Năm nay không có quá nhiều người đến giai đoạn sát nút vẫn chưa quyết định lá phiếu của mình, nên thông tin này không ảnh hưởng nhiều.
Điểm khác biệt lớn nhất của Trump đến nay, theo chuyên gia kinh tế này, là việc tạo ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Song chuyên gia này cho rằng, các kết quả kinh tế của Trump tất nhiên là tốt, nhưng đã có thể mạnh hơn rất nhiều nếu như không có cuộc thương chiến với Trung Quốc. Ông Biden đắc cử sẽ mở đường cho hợp tác kinh tế giữa Mỹ và nhiều nước khác và điều đó tốt cho kinh tế Mỹ.
Quan điểm chung của các nhà kinh tế là thương mại sẽ tạo ra lợi ích cho cả hai bên và thương chiến không chỉ có hại cho hai nước mà còn cả các nước khác. Trump cố gắng mang lại công việc cho ngành thép – một ngành từng rất mạnh ở Mỹ, đúng là sẽ tốt cho một bộ phận lao động hoạt động trong ngành này. Nhưng về tổng thể, điều này sẽ làm sụt giảm sự phát triển kinh tế, vì thép không phải là ngành có giá trị gia tăng cao.
Nếu Biden hạ căng thẳng thương mại thì thật ra đó cũng là tin tốt cho nước Mỹ, và có lẽ là tốt cho nhiều quốc gia khác vì khi Mỹ rút khỏi các hiệp định thương mại đa phương thì Trung Quốc có kẽ hở để mở rộng thêm vị thế của mình khi họ luôn mở rộng vòng tay để giao thương với các nước nhỏ.
Về lâu dài, các chính sách được cho là chống Trung Quốc thì lại có tác động ngược. Năm 2018, khi Trung Quốc đến Diễn đàn kinh tế thế giới, họ đã có bài phát biểu là Trung Quốc mở cửa thương mại với các nước và rất được chào đón, trong khi ông Trump lại vắng mặt tại sự kiện này.
Trái ngược với quan điểm trên, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, PGS.TS Cù Chí Lợi cho rằng, chiến tranh thương mại với Trung Quốc có nhiều mục tiêu, chứ không hẳn là chỉ tập trung vào vấn đề chuyển công ăn việc làm về Mỹ. Mục tiêu lớn nhất vẫn là nhằm kiểm soát, kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa của Mỹ, và mục tiêu đó đã phần nào đạt được trong thời gian vừa qua.
Về xu thế cạnh tranh Mỹ - Trung, ông Lợi cho rằng, ông Biden hay ông Trump là tổng thống thì những xu thế đó cũng không thể đảo ngược.
Theo Viện trưởng này, có thể nhìn nhận vấn đề này theo một chu kỳ phát triển quan hệ Mỹ - Trung. Những căng thẳng về sự mất cân bằng thương mại mới chỉ được ông Trump đặt ra trong thời gian rất ngắn, lại có tác động bất ngờ của Covid-19, nên chưa thể đánh giá được toàn bộ ảnh hưởng từ các chiến lược của ông Trump. Xu thế căng thẳng quan hệ Mỹ Trung sẽ còn tiếp tục, ít nhất là trong lĩnh vực thương mại.
Chưa đến thời điểm cho một thỏa thuận đình chiến. Nên việc dòng đầu tư quốc tế dịch chuyển khỏi Trung Quốc cũng sẽ theo đó mà tiếp tục.
Ông Trump muốn hạn chế thương mại, còn các tổng thống là đảng viên Dân chủ trước đó lại tập trung vào việc mở rộng thương mại. Chuyên gia giấu tên nhận định, điều này vốn là tốt cho nền kinh tế, nhưng sẽ có một nhóm người nhất định bị ảnh hưởng tiêu cực từ điều đó, như là những công nhân sản xuất. Thất bại của Đảng Dân chủ là lẽ ra đi kèm với các chính sách thương mại đó phải là sự hỗ trợ cho lao động trong các ngành bị ảnh hưởng để họ chuyển ngành hoặc có sự bảo trợ xã hội vì họ đã mất việc.
Trump đã thắng năm 2016 vì đánh đúng vào những điểm yếu đó, những người bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại, nên đây sẽ là điều mà Đảng Dân chủ cần cải thiện, nếu lên nắm quyền, chuyên gia này nhận định.
Về đối nội, có lẽ hai ông Trump và Biden sẽ không khác nhau quá nhiều về việc kích cầu nền kinh tế Mỹ để khắc phục hậu quả của Covid-19. Nếu xét về tiêu dùng thì Trump giống một người Dân chủ hơn là Cộng hòa, tức là không ngại nâng nợ của nước Mỹ lên và tăng chi tiêu, đặc biệt trong khủng hoảng.
Và quan trọng hơn với kinh tế đối nội là ai sẽ nắm quyền kiểm soát thượng viện trong nhiệm kỳ tiếp theo, chứ không phải ai là tổng thống. Nếu Đảng Dân chủ nắm được quyền kiểm soát thượng viện thì nước Mỹ sẽ có gói kích cầu kinh tế rất lớn.
Về đối ngoại, sự khác biệt cơ bản nhất của Trump và Biden là quan điểm song phương và đa phương. Cách tiếp cận của các đời tổng thống Mỹ trước Trump đều là xây dựng vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế bằng cách đầu tư rất nhiều vào các tổ chức quốc tế như WB, IMF, WTO với ý tưởng là Mỹ sẽ mạnh hơn nếu có quyền lực trong các tổ chức này. Có thể mọi người sẽ rất mong chờ việc nước Mỹ cân nhắc lại TPP trên quan điểm đa phương đó.
Ông Lợi đồng thuận: "Có thể nếu Biden đắc cử, ông ấy có thể thực hiện một số chính sách khác. Ông Trump đã rút khỏi TPP, tôi cho rằng đây có thể là sân trống cho ông Biden. Nếu Mỹ muốn giành quyền kiểm soát ở châu Á thì phải có chính sách về kinh tế lôi kéo, và đây là lĩnh vực ông Biden có thể là khai thác trở lại".
Hoàng An