Trở lại nắm vị trí tư lệnh ngành của Bộ Giao thông Vận tải - một trong những Bộ hết sức quan trọng tạo tiền đề phát triển kinh tế sau quãng thời gian được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng được dư luận đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng rồi, kể từ ngày Quốc hội phê duyệt ông Nguyễn Văn Thể từ Bí thư Tỉnh ủy làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 10/2017, ông Thể chỉ mang lại toàn sự thất vọng. Đôi lúc, là phẫn nộ. Quan sát các tư lệnh ngành tiền nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, có thể đưa ra nhìn nhận ông Nguyễn Văn Thể thật sự là một tư lệnh ngành thất bại.
1. Chiều tối ngày 31/5/2020, nhiều báo chạy tin "Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tự nhận nghiêm khắc phê bình vì chậm triển khai thu phí tự động tại các BOT".
Đây là thông tin không có gì ngạc nhiên, khi nhiều BOT vẫn nhùng nhằng kéo dài thời gian lắp đặt thu phí tự động. Bất chấp, Quốc hội hơn một lần hỏi lại Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Bất chấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo trực tiếp Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể (Mà nếu tôi nhớ không nhầm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng rất khó chịu vì việc chậm triển khai thu phí tự động tại các trạm BOT). Bất chấp, chính Thủ tướng Chính phủ quyết liệt "Sẽ dừng thu phí đối với BOT chưa triển khai thu phí tự động vào cuối tháng 12-2019".
Nhưng rồi, đâu lại vào đó.
Chưa bao giờ bức tranh BOT - vốn là chủ trương đúng đắn của Nhà nước lại bị biến tướng nhiều đến vậy. Cũng chưa bao giờ một vị tư lệnh ngành lại thờ ơ với người đứng đầu Chính phủ đến như vậy. Đã gần nửa năm sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tư lệnh ngành Nguyễn Văn Thể tự nhận phê bình nghiêm khắc rồi thôi.
Thật khó tin rằng một Bộ trưởng lại không hiểu rõ tấm lòng của Thủ tướng Chính phủ, khi Thủ tướng Chính phủ đã thấu hiểu rất rõ gánh nặng BOT đang đè oằn vai doanh nghiệp, những bất cập của BOT đặt "ăn gian" nhằm tận thu, những "xảo thuật" để tăng số năm được thu phí...
2. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là người có chuyên môn tốt về ngành giao thông, ông cũng đi lên từ cán bộ cấp cơ sở với lĩnh vực liên quan. Ông là Tiến sĩ ngành Giao thông Đường bộ.
Rất khó để hiểu một tiến sĩ giao thông đường bộ tại sao lại không chọn việc thúc đẩy giao thương giữa các địa phương dựa trên sự thông thoáng hạ tầng, thay vào đó ông Nguyễn Văn Thể lại có những hành động, phát ngôn khiến dư luận lầm tưởng "ông thích BOT hơn là sự tiện lợi của nhân dân".
Ngay khi đại dịch Covid-19 được chặn đứng tại nước ta, Chính phủ vận động thực hiện giai đoạn bình thường mới vừa chiến thắng đại dịch vừa phát triển kinh tế. Nói đi đôi với làm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thúc ép các tư lệnh ngành phải làm việc cật lực để cùng Thủ tướng vực dậy doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... thì bất ngờ Bộ Giao thông Vận tải lại kiến nghị cho các doanh nghiệp đầu tư BOT được tăng phí.
Doanh nghiệp đầu tư BOT được tăng phí thì các doanh nghiệp khác phải chịu thêm phí, nên rõ ràng, tư lệnh ngành Nguyễn Văn Thể đã "nhất bên trọng, nhất bên khinh" rất không có lợi cho cái chung. Chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ kinh doanh BOT.
Tại sao một tư lệnh ngành lại đề xuất để bảo vệ quyền lợi cho một nhóm nhỏ để nhóm lớn hơn phải chịu sự bất bình đẳng?
Câu hỏi này, bảo dễ trả lời cũng được mà khó trả lời cũng được. Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ từng nói thẳng với đại ý, "Ông nào có sân sau tôi cũng biết".
3. Thu phí đổi qua thu giá rồi lại về thu phí, "cơn tăng động" làm tiếng Việt rối loạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi năm 2018 cũng khiến Bộ Giao thông vận tải cộng hưởng theo.
Mặc cho Bộ Giáo dục và Đào tạo bị dư luận phản ứng gay gắt về học giá học phí, tư lệnh ngành Nguyễn Văn Thể vì BOT cũng liều mình lao vào "lò lửa" dư luận như chẳng có. Đến độ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải thốt lên, "Cứ gọi trạm thu phí BOT là ổn".
Nhưng rồi chỉ có tên gọi trạm thu phí BOT là ổn, còn lại BOT đến giờ vẫn chưa ổn.
Mà cơn bất ổn của BOT có sự đóng góp đắc lực của ông Nguyễn Văn Thể khi chữ ký của ông tạo nên một "BOT Cai Lậy" - mồi lửa cho phong trào phản đối BOT đặt sai vị trí khắp nơi kéo dài.
BOT dưới thời của ông Nguyễn Văn Thể đã là một con ngựa bất kham, những quy định về hai trạm BOT không được đặt cách nhau dưới 70km, những kẹt xe kéo dài phải xả trạm, những thu phí tự động... không làm khó được các chủ đầu tư BOT. Họ vẫn mặc nhiên tận thu, dẫu nhân dân uất ức còn Chính phủ lẫn Quốc hội đều khản giọng chỉ đạo...
Đọc thông tin từ Kiểm toán Nhà nước công bố vào tháng 3-2020 về vấn đề BOT, có lẽ sẽ cho câu trả lời vì sao BOT lại được ưu ái đến vậy,
"Kết quả kiểm toán 11 dự án BOT năm 2019 cho thấy: Bộ Giao thông vận tải cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT; phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không công bố danh mục dự án.. Bên cạnh đó, ở một số dự án BOT, việc góp vốn chủ sở hữu diễn ra chậm, xác định chi phí sửa chữa, duy tu trong phương án tài chính chưa đủ cơ sở và căn cứ pháp lý; chưa cập nhật chi phí sử dụng trạm thu phí không dừng theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ...
Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý 513,9 tỷ đồng, giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7 dự án 56,4 năm so với phương án ban đầu".
4. Không bàn các vấn đề nổi cộm khác của Bộ Giao thông Vận tải như đường sắt trên cao, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Phú Yên - Bình Định, cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi, tình trạng điểm đen giao thông... chỉ riêng vấn đề BOT có vẻ đã quá sức của ông Nguyễn Văn Thể.
Một chiếc áo quá rộng sẽ dẫn đến một tư lệnh ngành thất bại!
Theo Báo Ngày nay