--Sông, kênh, rạch huyện Trần Văn Thời cạn trơ đáy. |
Kênh rạch cạn kiệt trơ đáy
Theo dự báo của cơ quan thuộc Bộ NNPTNT, từ ngày 7 đến ngày 15/3 tới, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ là giai đoạn cao điểm, có nơi sẽ lấn vào sâu từ 100 đến 110 km và tăng cao theo kỳ triều cường. Khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4g/l, phạm vi ảnh hưởng ở khu vực sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) vào sâu khoảng 100 đến 110km; sông Cổ Chiên, sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70km; sông Cái Lớn 62 đến 65 km...
Cuối tháng 3/2020, xâm nhập mặn có thể vẫn ở mức cao nhưng thấp hơn so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng. Tình trạng thiếu nước ngọt, nhiễm mặn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân.
Qua thống kê sơ bộ của tỉnh Bến Tre, hiện có trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại; khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng; tình hình nuôi thủy sản đang gặp khó khăn, có 722 ha diện tích nuôi tôm càng xanh bị ảnh hưởng, xảy ra hiện tượng nghêu chết với số lượng khoảng 1.100 tấn, ước thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, vùng ngọt hóa phục vụ sản xuất hệ sinh thái ngọt của tỉnh có diện tích trên 100.590 ha, tập trung ở hai huyện Trần Văn Thời và U Minh. Tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt và khó lường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và hoạt động dân sinh trên địa bàn.
Trong tuần đầu tiên của tháng 3, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến hơn19.300ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó thiệt hại từ 30-70% là hơn 6.700ha, trên 70% là hơn 12.500ha; hơn 22ha rau màu bị hưởng. Song song đó, có hơn 26.400 ha rừng được cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm và cấp nguy hiểm là hơn 7.700 ha, tập trung nhiều tại Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, liên tiểu khu 30/4, liên tiểu khu U Minh I…
Hiện đang là thời điểm người dân ở vùng ngọt hóa Trần Văn Thời cơ bản hoàn thành thu hoạch vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên, do hệ thống kênh mương thủy lợi trong vùng khô cạn, nên việc bán lúa của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này chạy dọc các tuyến kênh nội đồng của huyện Trần Văn Thời, nông dân phải chạy xe máy chở đến các điểm thu mua. Tùy theo khoảng cách đến các điểm thu mua mà mỗi tấn lúa người dân phải tốn chi phí vận chuyển từ 200.000-500.000 đồng. Có những hộ nằm xa trục giao thông chính, đường sá bị sụp lún thì thương lái không vào mua.
Ông Huỳnh Văn Thân, ngụ ấp Bình Minh 2, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau cho biết: “Gia đình tôi năm nay trồng giống lúa OM18. Như năm trước có ghe vào kênh mua, tôi bán được giá 5.200 đồng/kg, còn năm nay kênh cạn nên thương lái chỉ mua 4.500 đồng/kg, họ trừ tiền phí thuê xe máy vận chuyển lúa từ kênh nhỏ ra kênh lớn …”.
Ông Nguyễn Trường Đời, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Thông thường hàng năm, lúa của bà con vận chuyển ra đến bãi tập kết chỉ mất 250 đồng/kg. Còn năm nay, tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt làm các tuyến kênh, gạch khô cạn, người dân không thể vận chuyển lúa bằng đường thủy, còn đường bộ thì sạt lở xe tải không vào được, bà con phải vận chuyển bằng xe máy, khiến chi phí tăng lên gần gấp đôi, chưa kể thời gian vận chuyển rất chậm”.
Bà Đặng Thị Huệ, ngụ ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết: Các năm trước vào thời điểm này mực nước trên các con sông vẫn còn. Lúc này, người dân vẫn có thể dùng vỏ lãi đi lại, vận chuyển nông sản ra các tuyến lộ lớn để bán cho thương lái. Tuy nhiên, năm nay do các con sông khô cạn từ rất sớm nên không thể vận chuyển nông sản bằng đường thủy khiến chi phí đầu tư tăng cao do phải thuê phương tiện và nhân công vận chuyển…
Cũng theo chia sẻ của bà Huệ, các năm trước cùng diện tích trên, mỗi vụ bí đều cho năng suất trên 2 tấn và thu lãi hơn 70 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay thì lỗ nặng. Bí rợ loại dưới 3,5 kg/trái được thương lái thu mua với giá 3.500 đồng/kg và loại trên 3,5kg/ trái được thu mua với giá 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khô hạn nên số lượng bí đạt “chuẩn” rất ít.
Làm gì?
Theo Bộ NNPTNT, khoảng 1 tuần tới sẽ là cao điểm của hạn, mặn. Bộ NNPTNT dự báo trong mùa khô năm 2019 – 2020 sẽ có khoảng 80.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng do hạn mặn.
Trước tình hình trên, Bộ NNPTNT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng; tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao; chưa tổ chức xuống giống lúa vụ hè thu ở những vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn...
Hiện Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với các sở ngành và các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán. Xác định và khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán, huy động mọi nguồn lực triển khai ngay phương án ứng phó theo kịch bản ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 2.
Dự báo dòng chảy trên sông Mekong về đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5-20%. Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐSBCL tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3, đặc biệt là từ ngày 11 đến ngày 15/3, sau đó có xu thế giảm dần đến cuối tháng 3. Xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4, sau đó có khả năng giảm dần.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.
Hiện các tỉnh, thành trong vùng đang triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp như: Quan trắc độ mặn, liên tục kiểm tra nguồn nước, nếu thấy độ mặn giảm xuống dưới ngưỡng cho phép, lập tức mở cống hoặc bơm chủ động vào hồ chứa, các kênh dẫn vào nội đồng để trữ nước ngọt….
Bộ NNPTNT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng; tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao; chưa tổ chức xuống giống lúa vụ hè thu ở những vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn...
Theo daidoanket