Virus SARS-CoV-2 đang lây lan khắp thế giới nhưng chưa có một loại thuốc nào có thể giết chúng hoặc một loại vaccine nào có thể giúp bảo vệ con người khỏi việc lây nhiễm chúng. Tính đến ngày 17/7/2020 đã có gần 14 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 600.000 người đã chết. Đại dịch đang bước vào giai đoạn bùng nổ thứ 2 với số ca nhiễm lên đến 32.000 ca mỗi ngày trên toàn thế giới. Đòi hỏi các quốc gia cùng đoàn kết chống lại đại dịch và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc-xin hơn bao giờ hết. Dưới đây là các quốc gia có thông báo về những tiến triển mới trong việc nghiên cứu vaccine phòng virus SARS-CoV-2:
1. Việt Nam
Dự án nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 của Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế “đã có kết quả. Vắc-xin dự tuyển có tính sinh miễn dịch khá cao.”
Các nhà nghiên cứu của Vabiotech đang tiến hành lấy mẫu máu chuột để đánh giá kháng thể đáp ứng miễn dịch sau tiêm. (Ảnh Bộ Y tế) |
Trước đó, ngày 15/5 và 29/5, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vắc-xin COVID-19 lần lượt được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (VSDTTW) để đánh giá. Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện VSDTTW xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao. “Đây là cơ sở để phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh”, PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Viện VSDTTW, nhận định.
“Để cho ra đời vắc-xin hoàn chỉnh cần 9 – 12 tháng nữa nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này”, ThS. Mạc Văn Trọng (Vabiotech) cho biết. “Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của một vắc-xin bình thường, thời gian 18 - 24 tháng để phát triển được một vắc-xin đã là một thành tựu rất đáng kể”.
2. Trung Quốc
Ngày 19/6, Clover Biopharmaceuticals, công ty công nghệ sinh học của Trung Quốc thông báo, một loại vắc-xin có khả năng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu trên người. Theo thông báo, loại vắc-xin này sử dụng kết hợp với vaccine bổ sung của công ty dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK).
Theo Công ty Clover, quá trình thử nghiệm cho dữ liệu ban đầu về an toàn sau khi được thực hiện trên khoảng 150 người lớn cũng như nghiên cứu vắc-xin kết hợp với tá dược của Công ty Dynavax. Dự kiến, loại vắc-xin phòng Covid-19 của công ty này sẽ có vào tháng 8 năm nay.
Công ty CanSino đang bước vào thử nghiệm giai đoạn 3 vắc-xin Ad5-nCov. Đây là loại vắc-xin đầu tiên tại Trung Quốc được phép thử nghiệm trên người từ tháng 3, song tiến độ thử nghiệm chậm hơn các loại vắc-xin tiềm năng khác. Công ty CanSino dự kiến kêu gọi 40.000 người tham gia.
3. Nga
Ngày 18/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đã tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng chống Covid-19 cho 18 tình nguyện viên đầu tiên tại Quân y viện mang tên Burdenko ở Thủ đô Moscow.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Dựa trên kết quả sàng lọc các tình nguyện viên bị cách ly 2 tuần đã chọn ra nhóm đầu tiên tham gia thí nghiệm gồm 18 người và thực hiện tiêm phòng ngày 18/6. 9 tình nguyện viên được tiêm thành phần vaccine thứ nhất, 9 người khác được tiêm thành phần vắc-xin thứ hai".
Nga là nước đầu tiên thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người thành công. (Ảnh TTXVN) |
Thử nghiệm vắc-xin được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất Quân y viện, những người trước đây đã tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng về thuốc và vắc-xin. Việc tiêm chủng chưa xảy ra sự cố hoặc biến chứng.
Ngày 13/7 dẫn lời nhà khoa học Elena Smolyarchuk thuộc Trung tâm nghiên cứu y tế lâm sàng tại trường đại học Sechenov của Nga cho biết hoạt động thử nghiệm mẫu vaccine ngừa COVID-19 trên người đã hoàn tất và các tình nguyện viên tham gia tiêm thử vắc-xin sẽ sớm được xuất viện.
“Nghiên cứu đã hoàn tất và nó chứng minh được rằng vắc-xin rất an toàn. Các tình nguyện viên sẽ lần lượt được xuất viện từ ngày 15 đến 20/7 tới”, bà Elena Smolyarchuk tiết lộ với giới truyền thông Nga.
Theo mô tả của IndiaTimes, chưa có quốc gia nào ngoài Nga hoàn tất quá trình đánh giá một mẫu vắc-xin COVID-19 trên người, dù Nga không phải quốc gia duy nhất tham gia cuộc đua chế tạo vắc-xin chống lại đại dịch toàn cầu này.
4. Canada
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Ottawa đang hợp tác với Bắc Kinh để bắt đầu thử nghiệm loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất, được xem là ứng viên cho việc phòng ngừa đại dịch Covid-19, theo hãng tin Sputnik của Nga.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. |
“Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để đảm bảo quá trình thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 có thể kéo dài trong một khoảng thời gian mà không bị gián đoạn” - ông Trudeau nói tại cuộc họp báo hôm 16-7.
Trước đó vào tháng 5, Canada đã phê duyệt cho công ty công nghệ sinh học của Trung Quốc - CanSino Biologic - bắt đầu thử nghiệm vắc-xin tại Canada, nhưng quá trình này đã bị Cục hải quan Trung Quốc trì hoãn.
CanSinoBIO và Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc đã cùng kết hợp với nhau để phát triển nên ứng cử viên vắc-xin ngừa COVID-19 có tên gọi là Ad5-nCoV này.
Theo Sputnik, có báo cáo cho rằng Nga cũng nằm trong số các quốc gia đang được xem xét để thử nghiệm loại vắc-xin phòng COVID-19 do CanSinoBIO sản xuất.
5. Anh
Đại học Oxford (Anh) đã thử nghiệm vắc-xin với số lượng lớn người tình nguyện và khỉ.
Dự kiến nếu vắc-xin đạt hiệu quả, Đại học Oxford sẽ bắt đầu sản xuất vài triệu liều vào tháng 9 tới, chủ yếu ưu tiên dành cho nhân viên y tế.
TS Emilio Emini - giám đốc chương trình vắc-xin của Quỹ Bill và Melinda Gates - nhận xét: "Chương trình thử nghiệm lâm sàng của họ diễn tiến rất nhanh".
Sau khi thử nghiệm trên khỉ thành công, Đại học Oxford đã tiến hành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng trên hơn 6.000 người tình nguyện.
Người tình nguyện tham gia thử vaccine ở Đại học Oxford. |
Nếu kết quả thành công, thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn sẽ được khởi động vào tháng 6-2020.
6. Mỹ
Vaccine do Moderna tới đây sẽ thử nghiệm trên người. |
Sắp tới, vắc-xin vốn được phát triển bởi viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và công ty Công nghệ sinh học Moderna sẽ được thử nghiệm với 30.000 tình nguyện viên. Moderna cho biết đã có đủ số liều vắc-xin cho đợt thử nghiệm cuối và cũng là đợt nghiên cứu đóng vai trò then chốt này.
Thông tin mới nhất do Moderna vừa công bố đã cho thấy những tiền đề để công ty và NIH sẵn sàng cho những bước tiếp theo trong quá trình phát triển vắc-xin.
Trước đó hồi giữa tháng Ba, Moderna đã khởi động việc thử nghiệm vắc-xin với 45 tình nguyện viên ban đầu. Công ty cho biết đã kết thúc việc tuyển chọn 300 người trẻ cho giai đoạn thử nghiệm thứ hai và đã bắt đầu nghiên cứu cách người lớn tuổi phản ứng với vắc-xin.
Những nghiên cứu đầu tiên này được thực hiện nhằm kiểm tra tác dụng phụ và cách mà hệ miễn dịch của mọi người phản ứng với các liều tiêm khác nhau. Tuy vậy, chỉ có những thử nghiệm trên diện rộng đang được chuẩn bị mới có thể chứng minh rằng vắc-xin có hoạt động hiệu quả hay không.
Lan Phương T.H