Vừa qua dư luận cả nước xôn xao trước việc Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang mời thầu 2 gói thầu may 428 bộ trang phục (vest) với tổng dự toán 2 gói thầu là hơn 2,5 tỷ đồng phục vụ đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII (mỗi bộ có giá 6 triệu đồng).
Tiếp đó, sau khi báo chí đăng tin, tỉnh Quảng Trị quyết định hủy gói thầu mua bình “hút tài lộc” tặng đại biểu dự đại hội Đảng bộ tỉnh. Trước đó nhiều địa phương cũng triển khai gói thầu mua quà tặng cho đại biểu dự đại hội, phổ biến là cặp da với giá từ 2 - 3,7 triệu đồng.
Đó chỉ là một vài trong rất nhiều ví dụ về những “sáng kiến” chi tiền mua quà tặng nhân dịp hội nghị, kỷ niệm, ở bộ, ngành, địa phương.
Quà lưu niệm cho đại biểu ở mỗi kỳ đại hội hoặc kết thúc một nhiệm kỳ là rất ý nghĩa và cần thiết. Tuy nhiên việc bỏ ra hàng tỷ đồng để mua những chiếc cặp da, bộ quần áo thì cần phải được xem xét kỹ lưỡng, liệu những thứ quà lưu niệm đó có tính hữu dụng cao hay không?
Hơn nữa, những địa phương vừa được báo chí phản ánh định chi hàng tỷ đồng cho việc mua quà dành cho các đại biểu đa phần vẫn còn nghèo, hàng năm vẫn phải xin trợ cấp từ Trung ương.
Giả sử một lãnh đạo tỉnh được mời và chỉ đạo đại hội ở nhiều huyện khác nhau mà huyện nào cũng mua cặp, sắm áo vest cho đại biểu tham dự thì lãnh đạo đó có đến vài chiếc cặp, vài bộ vest. Thực tế mỗi chiếc cặp dùng phải vài năm mới phải thay, như vậy vị lãnh đạo này phải dùng vài chục năm mới hết. Thực tế, nhiều đại biểu đã ngán ngẩm khi được tặng cặp đại hội, bởi tính hữu dụng của nó không cao mà lại tốn kém.
Nên chăng việc mua quà lưu niệm chỉ dừng lại ở việc tặng cây bút, quyển sổ với giá trị từ một đến hai trăm nghìn đồng. Làm như vậy vừa tránh lãng phí, món quà được tặng cũng ý nghĩa hơn.
Vẫn biết, đại hội Đảng bộ tỉnh là sự kiện chính trị quan trọng nhất trong cả một nhiệm kỳ 5 năm, cần phải được tổ chức trang trọng. Nhưng việc thực hành tiết kiệm, tránh phô trương lãng phí cũng là một nhiệm vụ quan trọng của đại hội. Nhất lại là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống người dân, doanh nghiệp, nhiều nơi hết sức khó khăn. Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã phải chắt chiu từng đồng.
Chắc chắn rằng, những chiếc cặp, bộ vest có giá hàng triệu đồng không thể làm cho đại biểu sang hơn, đại hội trang trọng hơn. Trái lại những gói thầu mua sắm quà tặng lãng phí như thế lại trở thành một “nốt trầm” trước ngày hội lớn của địa phương.
Những thứ làm nên sự trang trọng có lẽ đến từ chính những báo cáo đánh giá tổng kết, phương hướng ở nhiệm kỳ tới, địa phương sẽ tập trung làm những gì, quyết tâm ra sao để đưa đời sống của người dân khấm khá lên, chất lượng sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Thử hỏi những vị đại biểu tham dự đại hội, nếu địa phương mình vẫn còn tình trạng học sinh ngồi quá đông trên một lớp, bệnh viện quá tải thì việc “vung tiền” mua đồ lưu niệm có giá trị hàng tỷ đồng như thế có nên không? Những đại biểu đến dự đại hội “tung tăng” với những bộ vest, chiếc cặp da đắt tiền mà ở đâu đó người dân vẫn còn bữa đói bữa no thì liệu họ có áy náy không?
Có lẽ đã đến lúc cần quy định cụ thể về kinh phí trong các kỳ đại hội ở các địa phương. Cụ thể hơn nữa là việc định mức về hội họp, chi bồi dưỡng là bao nhiêu, chi quà tặng là thế nào, tất cả phải được lượng hóa, không thể chung chung, mỗi địa phương một kiểu, cuối cùng thì đua nhau chi tiền tỷ để tặng quà...