Việt Nam đang ở ngày thứ 14 thực hiện giãn cách xã hội nhằm mục tiêu chống dịch Covid-19. Để hiểu rõ hơn về tình hình dịch hiện nay, những điều nước ta đã làm được trong chuỗi ngày giãn cách xã hội cũng như diễn biến mới sau15/4, Zing đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng.
|
Số ca mắc có xu hướng giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Nguồn: Bộ Y tế. |
Dịch không bùng phát khi giãn cách xã hội
- Chỉ còn một ngày là chúng ta kết thúc 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Với tư cách là một chuyên gia trực tiếp tham gia chống dịch Covid-19, xin ông cho biết kịch bản sau ngày 15/4 là gì?
- Thủ tướng đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nghiên cứu đề xuất những giải pháp, kịch bản phù hợp, trong đó, phấn đấu mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo kinh tế, đặc biệt ưu tiên sức khỏe người dân là số một.
Còn hiện nay, như Thủ tướng đã nói, cho tới hết ngày 15/4, chúng ta vẫn thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của Chỉ thị 16.
Dù có thay đổi ra sao đối với việc giãn cách xã hội, các biện pháp phòng chống dịch cơ bản vẫn không thay đổi và cần duy trì như đeo khẩu trang, tránh giao tiếp gần như giữ khoảng cách 2 m, khử khuẩn, vệ sinh cá nhân, không tụ tập đám đông,...
Bên cạnh đó, việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch vẫn thực hiện vì dịch ở nước ta còn phức tạp, đặc biệt, dịch ở thế giới còn kéo dài. Do đó, chúng ta phải tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam bằng việc cách ly người từ nước ngoài về. Trong nước thì người dân vẫn cần thực hiện những quyết sách quyết liệt của Chính phủ về các biện pháp phòng tránh dịch.
- Ở thời điểm này, liệu đã có thể đánh giá về những gì chúng ta đạt được sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội?
- Có thể đánh giá là thành công. Trong thời gian giãn cách, dịch bệnh ở nước ta đã không bùng phát. Trên thế giới đã chứng minh và nếu nước ta không thực hiện giãn cách xã hội thì dịch đã bùng phát như nhiều nước rồi. Hiện, dịch không bùng phát, khẳng định giãn cách xã hội là một yếu tố quan trọng mang tới thành công này. Đừng nghĩ giãn cách xã hội vừa qua là vô hình. Khi làm đúng, sớm và tốt thì dịch sẽ không bùng lên. Thực tế đã chứng minh nước ta thực hiện giải pháp này hiệu quả, thành công.
Covid-19 là dịch bệnh lớn nhất từ trước tới nay
- Là người từng trải qua nhiều đại dịch, ông đánh giá về dịch Covid-19 này ra sao?
- Covid-19 là dịch lớn nhất từ trước tới nay. Ban đầu, kể cả Trung Quốc và các tổ chức thế giới đánh giá về dịch bệnh này chưa chính xác. Trước đây, các dịch xảy ra lan ra toàn cầu chậm, nhưng Covid-19 hiện nay lại lan quá nhanh. Bởi việc toàn cầu hóa và đi lại của người dân rất mạnh mẽ. Như tôi từng nói dịch bệnh từ Việt Nam chỉ trong 24 giờ có thể sang quốc gia xa xôi nhất và từ quốc gia xa xôi nhất về nước ta cũng chỉ trong thời gian đó.
Từ đầu, Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra lo ngại các nước yếu thế sẽ có số ca mắc lớn, tử vong cao. Nhưng thực tế không phải vậy. Một số nước có tiềm năng y tế, kinh tế mạnh lại thiệt hại nặng nề. So với những dịch bệnh từ trước tới nay, Covid-19 có sự thay đổi hẳn về tính chất tác động và hậu quả mà nó mang lại.
Việt Nam chưa bao giờ phải đối phó với một dịch bệnh lớn như thế này. Song nước ta đã huy động toàn xã hội sớm và quyết liệt. Có thể nói Việt Nam có chiến lược, giải pháp ổn định, xuyên suốt và đến bây giờ vẫn phù hợp và được quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Chúng ta luôn làm quyết liệt, được sự chung tay của toàn Đảng, Chính phủ, các cấp các ngành và toàn dân ủng hộ.
Đặc biệt, chúng ta có một phản ứng phù hợp là dịch như thế nào thì phản ứng đến đó. Không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc tới sức khỏe, kinh tế, an ninh, an sinh xã hội của người dân. Bởi vậy, Việt Nam được thế giới đánh giá là một quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng thành công rất lớn.
Một chiến lược quan trọng trong ngăn chặn dịch bùng phát là truy lùng dấu vết, truy những người có tiếp xúc với người bệnh từ đó phát hiện ra các ca bệnh. Chính vì vậy, Việt Nam đã thành công ở giai đoạn hiện nay. Sự thành công đó được hiểu là chúng ta đang kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, phải nhìn nhận đây là một dịch bệnh lớn và phức tạp, không được chủ quan, vẫn cần làm quyết liệt vì có những diễn biến khó lường. Khi lờ là sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng.
- Với những thành công bước đầu, chúng ta có thể kỳ vọng vào một điều tốt đẹp, giống như Việt Nam từng là quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS hồi năm 2003?
- Như các bạn biết dịch SARS chỉ xảy ra ở một số quốc gia với số người mắc không lớn, thời gian không kéo dài, phần lớn trường hợp nhiễm đều có những triệu chứng nặng, điển hình nên các ca bệnh đều vào cơ sở y tế. Do đó, việc phát hiện, quản lý dịch bệnh đỡ khó khăn hơn Covid-19.
Người mắc Covid-19 có thể có những triệu chứng nhẹ hơn. Nhiều ca bệnh không có triệu chứng nên khó kiểm soát. Dịch lại lây lan bùng phát nhanh chóng trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay rộng lớn và phức tạp hơn nhiều. Do đó, đã xảy ra tình trạng nhiều quốc gia không đáp ứng tốt, số người mắc tăng rất nhanh, cao và gây ra suy sụp hệ thống y tế, dẫn tới tỷ lệ tử vong lớn.
Dịch chúng ta đang đối mặt rất lớn. Trên thế giới, nó đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài. Nước ta cũng xác định phải ứng phó lâu dài. Hiện tại, chỉ có thể nói thời điểm này chúng ta đang kiểm soát tốt. Đó là sự thành công của giai đoạn này. Và tôi nói lại hoàn toàn không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt, đặc biệt là ý thức tham gia của mỗi người dân.
Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát tốt. Đó là sự thành công của giai đoạn này. Ảnh: Duy Hiệu. |
Vì sao dịch diễn biến phức tạp ở Hà Nội?
- Thời gian vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến ở Hà Nội rất phức tạp với các ổ dịch và ca mắc liên tục được phát hiện. Ông có nhận định gì về tình hình ở Hà Nội hiện nay?
- Hà Nội được xác định là phức tạp bởi dân số đông, người đi lại nhiều, người nhập cảnh cũng như người học tập sinh sống ở nước ngoài trở về nhiều. Nguy cơ của Hà Nội luôn lớn do đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội. Nhưng Hà Nội đã làm rất quyết liệt. Chưa có nơi nào tập trung phát hiện, khống chế, khoanh vùng dập dịch quyết liệt, làm xét nghiệm nhiều và làm tốt như Hà Nội.
Chúng ta cần đánh giá, nhìn nhận đúng. Không phải tỉnh nào ghi nhận nhiều ca mắc là tỉnh đó làm không tốt. Vì nhiều trường hợp dương tính là người tỉnh khác nhưng được cách ly tập trung về Hà Nội và được tính cho Hà Nội. Và cũng phải nói rằng Hà nội và một số thành phố lớn khác như TP.HCM làm tốt là đang góp phần khống chế dịch cho các tỉnh thành khác và cả nước. Vì nhiều người dân của các tỉnh thành khác đi lại, sinh sống, làm ăn ở Hà Nội.
- Hạ Lôi là ổ dịch mới nhất hiện nay. Liệu có khó khăn để khống chế?
- Tôi nghĩ Hà Nội sẽ giải quyết được, khoanh vùng, dập được ổ dịch này. Mặc dù ở Hạ Lôi cho thấy có sự lây lan ra cộng đồng, song tất cả ca bệnh phát hiện được vẫn nằm trong Hạ Lôi. Chưa ghi nhận các ca bệnh liên quan tới Hạ Lôi ở địa bàn bên ngoài sau khi đã tiến hành điều tra và xét nghiệm những trường hợp liên quan.
- Để duy trì những thành công trong quá trình chống dịch, người dân nên làm gì?
- Đầu tiên, người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Nếu không nghiêm sẽ làm mất hiệu quả những điều chúng ta đã làm từ đầu đến giờ. Thứ 2, người dân vẫn nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần khi giao tiếp, giữ khoảng cách 2 m, vệ sinh, khử khuẩn, khai báo y tế... Đó là những điều người dân phải làm lâu dài, rất cần thiết trong phòng chống dịch bệnh. Kể cả khi Chính phủ quyết định một kịch bản nào của việc giãn cách xã hội trong thời gian tới, những biện pháp đó vẫn phải làm xuyên suốt. Bởi các bạn biết, tình hình dịch quốc tế còn phức tạp và kéo dài.
Theo Zingnew