Tối 17/8, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, qua thống kê tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức ghi nhận hơn 2,5 triệu người dân TP.HCM đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.
TP.HCM đang huy động mọi nguồn lực và sẽ hỗ trợ cho tất cả những người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không để ai đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc. Việc hỗ trợ là vô điều kiện, không phân biệt hộ khẩu, ai khó khăn là được hỗ trợ. Dự kiến, mỗi người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng và 10 kg gạo.
"TP.HCM đề nghị người dân ở trong nhà và tiền hỗ trợ sẽ được cán bộ địa phương mang đến tận nhà trao tận tay cho bà con. TP.HCM không để người dân cơ cực, thà chi nhiều còn hơn bỏ sót" – ông Lê Minh Tấn Khẳng định.
TP.HCM dự kiến hỗ trợ tiền nhà trọ đối với 1.580 hộ ở trọ có hoàn cảnh khó khăn với mức 1,5 triệu đồng/hộ.
Đồng thời, TP.HCM triển khai 1 triệu túi an sinh trao tới người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình này sẽ được triển khai ngay trong tuần sau. Mỗi túi an sinh gồm lương thực, thực phẩm và một số đồ thiết yếu cho người dân.
Về hỗ trợ người lao động theo các gói hỗ trợ lần 1, lần 2 của TP.HCM và gói hỗ trợ của Chính phủ, TP.HCM tiếp tục cập nhật các trường hợp. Trường hợp nào bỏ sót, sẽ được nhận hỗ trợ bổ sung.
TP.HCM tiếp tục hỗ trợ cho lao động tự do. (Ảnh minh họa). |
Đối với lao động tự do, TP.HCM tiếp tục hỗ trợ cho lao động tự do (đợt 2) theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM. Các trường hợp lao động tự do chưa nhận hỗ trợ đợt 1 (trong các khu cách ly, khu phong tỏa, mất việc trở về quê…) sẽ được nhận bổ sung vào kỳ chi hỗ trợ đợt 2 (mức hỗ trợ của 2 đợt là 3 triệu đồng/người).
Riêng đối với xe ôm truyền thống và xích lô chưa chi đợt 1, TP.HCM sẽ chi hỗ trợ cả 2 đợt (1 và 2) đối với những người này.
UBND TP.HCM yêu cầu UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cập nhật số lượng phát sinh của đợt 1 vào danh sách chi hỗ trợ của đợt 2 và tập trung hoàn tất chi hỗ trợ theo quy định.
Trước đó, ngày 16/8, UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung kinh phí năm 2021 cho TP.Thủ Đức và các quận, huyện với tổng số tiền hơn 1.092 tỉ đồng để triển khai chi phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Hỗ trợ tiền nhà trọ cho 1,58 triệu hộ lao động
Chiều 18/8, ông Lê Minh Tấn cho biết, thống kê tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức ghi nhận 1,58 triệu hộ lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Đối với hỗ trợ tiền thuê phòng trọ, dự kiến 1,58 triệu hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền phòng trọ là 1,5 triệu đồng/hộ.
Qua thống kê ban đầu, số hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn tập trung đông nhất ở quận Bình Tân với gần 266.800 hộ; thứ hai là quận Bình Thạnh với gần 215.700 hộ; thứ ba là huyện Bình Chánh với 179.700 hộ.
Trong khi đó, quận 7 có gần 139.000 hộ, quận 8 có gần 112.000 hộ, TP.Thủ Đức có gần 104.000 hộ. Các quận, huyện khác có từ 9.000 - 64.000 hộ.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19
UBND TP.HCM đã ban hành văn bản số 2724/KH-UBND về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn.
Văn bản nêu rõ, mục đích của kế hoạch nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh những nơi có nhu cầu, hoạt động hiệu quả và đảm bảo điều kiện an toàn theo tiêu chí của UBND Thành phố. Qua đó, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch được kiểm soát, đảm bảo thu ngân sách nhà nước và chi thường xuyên.
Ngoài ra, kế hoạch còn nhằm duy trì hoạt động hỗ trợ vốn, giảm chi phí cho các doanh nghiệp đang sản xuất để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19. Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống cho người lao động; hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người lao động, người sử dụng lao động.
Từ mục đích trên, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người lao động. Các Sở, ban, ngành phụ trách các lĩnh vực phải chủ động cập nhật các chính sách hỗ trợ mới và đề xuất triển khai ngay với các hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người lao động tiếp cận chính sách.
Về các nhóm giải pháp hỗ trợ, TP.HCM đưa ra 4 nhóm giải pháp gồm: Giải pháp hỗ trợ về tín dụng; giải pháp hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường; giải pháp hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực.
Từ đó, UBND TP.HCM yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức, quận - huyện triển khai ngay các giải pháp trên trong tháng 8/2021. Đặc biệt, tập trung vào các giải pháp để hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Được biết, Bộ LĐTB&XH đã nhận được công văn của 24 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội đã rà soát, tổng hợp và đề nghị Bộ LĐTB&XH đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng số hơn 216.618,9 tấn gạo cứu đói cho hơn 8,6 triệu nhân khẩu có nguy cơ bị thiếu đói do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 năm 2021.
Bộ LĐTB&XH đã xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng số hơn 130.175,6 tấn gạo để cứu đói cho hơn 8,6 triệu nhân khẩu trong thời gian một tháng.
Sau khi thực hiện hỗ trợ một tháng mà vẫn còn khó khăn, Bộ LĐTB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản gửi Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục hỗ trợ.